THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp các quy định, giải đáp quan trọng mà doanh nghiệp, kế toán cần biết về hóa đơn điện tử năm 2024:
(1) Hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:
- Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
- Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
(2) Các loại hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử sẽ bao gồm các loại sau đây:
- Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
- Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân.
- Hóa đơn điện tử bán tài sản công.
- Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia.
- Các loại hóa đơn khác.
>> Xem nội dung chi tiết tại đây
Hóa đơn điện tử: Những quy định quan trọng năm 2024 (Hình từ internet)
Nội dung của hóa đơn điện tử quy định từ khoản 1 đến khoản 13 và khoản 15 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, bao gồm: xem chi tiết tại đây.
Thời điểm lập hóa đơn được xác định theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ
Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Trường hợp doanh nghiệp có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ:
- Kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế;
- Thẩm định giá;
- Khảo sát, thiết kế kỹ thuật;
- Tư vấn giám sát;
- Lập dự án đầu tư xây dựng).
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng công đoạn dịch vụ thì mỗi lần bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị dịch vụ được giao tương ứng.
Thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ với một số trường hợp cụ thể: xem chi tiết tại đây.
(2) Thời điểm lập hóa đơn bán hàng hóa
Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Trường hợp giao hàng nhiều lần thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn điện tử cho khối lượng, giá trị hàng hóa được giao tương ứng.
Thời điểm lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa với một số trường hợp cụ thể: xem chi tiết tại đây.
Căn cứ Điều b Khoản 7 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định trường hợp người bán là doanh nghiệp, tổ chức thì chữ ký số của người bán trên hóa đơn là chữ ký số của doanh nghiệp, tổ chức; trường hợp người bán là cá nhân thì sử dụng chữ ký số của cá nhân hoặc người được ủy quyền.
Các trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán và người mua:
- Trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua (bao gồm cả trường hợp lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nước ngoài).
Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh và người mua, người bán có thỏa thuận về việc người mua đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử do người bán lập thì hóa đơn điện tử có chữ ký số, ký điện tử của người bán và người mua theo thỏa thuận giữa hai bên.
- Đối với hóa đơn điện tử của cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán, người mua.
- Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.
- Đối với hóa đơn điện tử là tem, vé, thẻ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán (trừ trường hợp tem, vé, thẻ là hóa đơn điện tử do cơ quan thuế cấp mã), tiêu thức người mua (tên, địa chỉ, mã số thuế), tiền thuế, thuế suất thuế giá trị gia tăng. Trường hợp tem, vé, thẻ điện tử có sẵn mệnh giá thì không nhất thiết phải có tiêu thức đơn vị tính, số lượng, đơn giá.
- Đối với chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế cho người mua là cá nhân không kinh doanh được xác định là hóa đơn điện tử thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn, số thứ tự hóa đơn, thuế suất thuế giá trị gia tăng, mã số thuế, địa chỉ người mua, chữ ký số của người bán.
- Hóa đơn sử dụng cho thanh toán Interline giữa các hãng hàng không được lập theo quy định của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có các chỉ tiêu: ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn, tên địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký số của người mua, đơn vị tính, số lượng, đơn giá.
Căn cứ Khoản 13 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định chữ viết, chữ số và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn như sau: xem chi tiết tại đây.