Vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trong trường hợp nào?

17/01/2024 09:45 AM

Xin cho tôi hỏi vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trong trường hợp nào? - Thanh Phong (Bình Định)

Vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trong trường hợp nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trong trường hợp nào?

Theo Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp phải từ chối do:

+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng quy định tại khoản (1) mục 4;

+ Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

+ Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

+ Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

- Người được trợ giúp pháp lý thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm sau đây:

+ Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;

+ Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Theo đó,trường hợp không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện mà người được trợ giúp pháp lý không còn đáp ứng quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì vụ việc được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc.

2. Trường hợp nào vụ việc pháp lý được thụ lý ngay?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 12/2018/TT-BTP quy định trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý ngay theo quy định tại khoản (4) mục 4như sau:

- Thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 05 ngày làm việc;

- Ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc;

- Các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm;

- Các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý do người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.

3. Thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu chứng minh là người được trợ giúp pháp lý là bao lâu?

Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 12/2018/TT-BTP quy định về thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu chứng minh là người được trợ giúp pháp lý như sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp, bổ sung các giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Trường hợp người được trợ giúp pháp lý cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường hợp bất khả kháng thì thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu là 10 ngày làm việc, kể từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý;

- Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý trong thời hạn quy định nêu trên thì vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện. Việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.

4. Thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý thế nào?

Thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 như sau:

(1) Yêu cầu trợ giúp pháp lý chỉ được thụ lý khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 và phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017.

(2) Người tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý và trả lời ngay cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý hoặc phải bổ sung giấy tờ, tài liệu có liên quan.

(3) Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thụ lý và thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng quy định tại khoản (1);

- Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

- Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

- Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

(4) Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu trợ giúp pháp lý bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,083

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079