Doanh nghiệp có phải công khai báo cáo tài chính không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Trong đó, đơn vị kế toán bao gồm:
- Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp;
- Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước;
- Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước;
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(Khoản 1, 4 Điều 3 Luật Kế toán 2015)
Theo khoản 3, 4 Điều 32 Luật Kế toán 2015 quy định:
- Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị kế toán có sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp báo cáo tài chính.
- Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Trường hợp pháp luật về chứng khoán, tín dụng, bảo hiểm có quy định cụ thể về hình thức, thời hạn công khai báo cáo tài chính khác với quy định của Luật Kế toán 2015 thì thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đó.
Do đó, theo quy định nêu trên, báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được công khai theo các quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 31 Luật Kế toán 2015 quy định nội dung công khai báo cáo tài chính bao gồm:
- Đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước công khai thông tin thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước 2015.
- Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước công khai quyết toán thu, chi tài chính năm.
- Đơn vị kế toán sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân công khai mục đích huy động và sử dụng các khoản đóng góp, đối tượng đóng góp, mức huy động, kết quả sử dụng và quyết toán thu, chi từng khoản đóng góp.
- Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh công khai các nội dung sau đây:
+ Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;
+ Kết quả hoạt động kinh doanh;
+ Trích lập và sử dụng các quỹ;
+ Thu nhập của người lao động;
+ Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán khi công khai phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán.
Theo Điều 12 của Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;
+ Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;
+ Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;
+ Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;
+ Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;
+ Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật;
+ Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Không công khai báo cáo tài chính theo quy định.
Như vậy, đối với hành vi không công khai báo cáo tài chính theo quy định, chủ thể vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.