05 trường hợp xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản

23/01/2024 12:43 PM

Xin cho tôi hỏi cá nhân, tập thể được xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản trong trường hợp nào? – Thanh Vy (Long An)

05 trường hợp xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản

05 trường hợp xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

05 trường hợp xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản

Theo khoản 1 Điều 40 Nghị định 98/2023/NĐ-CP, các trường hợp xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản được thực hiện theo quy định tại Điều 85 của Luật Thi đua, khen thưởng 2022, bao gồm các trường hợp như sau:

(1) Việc khen thưởng phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm kịp thời động viên, khích lệ quần chúng;

(2) Cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong lao động, công tác, sản xuất, kinh doanh, học tập và nghiên cứu khoa học hoặc lĩnh vực khác hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc được giải thưởng quốc tế của khu vực hoặc thế giới;

(3) Khen thưởng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện;

(4) Khen thưởng cống hiến, khen thưởng niên hạn, khen thưởng đối ngoại;

(5) Khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước.

Hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản

Cụ thể hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản có 01 bộ (bản chính) gồm:

- Tờ trình đề nghị khen thưởng;

- Báo cáo tóm tắt thành tích của cá nhân, tập thể lập được thành tích hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp, trong đó ghi rõ hành động, thành tích, công trạng, quá trình công tác hoặc tóm tắt kết quả lập thành tích đối với khen thưởng thành tích có nội dung tối mật, tuyệt mật để đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản.

Lưu ý:

- Khi cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, đột xuất thuộc trường hợp (2) thì người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khen thưởng và đề nghị khen thưởng ngay sau đó.

- Thời gian thẩm định và trình khen thưởng đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng tại (1), (3), (4), (5) được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định 98/2023/NĐ-CP.

- Đối với hồ sơ Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ thì sẽ có các thành phần như sau: Tờ trình của Bộ Nội vụ kèm theo danh sách đề nghị khen thưởng và các tệp tin điện tử của hồ sơ khen thưởng (trừ hồ sơ khen thưởng có nội dung bí mật nhà nước).

(Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 40 Nghị định 98/2023/NĐ-CP)

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng

Trong công tác thi đua, khen thưởng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có các trách nhiệm như sau:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa về quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và có trách nhiệm sau đây:

+ Tuyên truyền, vận động, động viên các đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng;

+ Tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các phong trào thi đua;

+ Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.

- Cơ quan báo chí có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và thường xuyên tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tích cực tham gia phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc; phổ biến, nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần cổ vũ, khích lệ phong trào thi đua. Công tác tuyên truyền phản ánh đúng kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kịp thời - Cơ quan, tổ chức, đơn vị tham mưu, giúp việc về công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm sau đây:

+ Tham mưu, đề xuất thực hiện công tác thi đua, khen thưởng;

+ Tham mưu phát động phong trào thi đua; xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung thi đua;

+ Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; trình cấp có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng;

+ Tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua.

(Điều 13 Luật Thi đua, khen thưởng 2022)

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,295

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079