Các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 320 Luật Thương mại 2005 thì các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại bao gồm:
- Vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh; giấy phép kinh doanh của thương nhân; thành lập và hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam và của thương nhân nước ngoài;
- Vi phạm quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh;
- Vi phạm chế độ thuế, hóa đơn, chứng từ, sổ và báo cáo kế toán;
- Vi phạm quy định về giá hàng hóa, dịch vụ;
- Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả hoặc nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép;
- Vi phạm các quy định liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu;
- Gian lận, lừa dối khách hàng khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Vi phạm các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;
- Vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu;
- Vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa;
- Các vi phạm khác trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật.
Hình thức xử lý vi phạm pháp luật về thương mại theo Điều 321 Luật Thương mại 2005 như sau:
- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, tổ chức, cá nhân bị xử lý theo một trong các hình thức sau đây:
+ Xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
+ Trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải thương mại theo Điều 13 Nghị định 22/2017/NĐ-CP như sau:
* Các bên tranh chấp có các quyền sau đây:
- Lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải;
- Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải;
- Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai;
- Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải;
- Các quyền khác theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
* Các bên tranh chấp có các nghĩa vụ sau đây:
- Trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo đề nghị của hòa giải viên thương mại;
- Thi hành kết quả hòa giải thành;
- Trả thù lao và chi phí dịch vụ hòa giải thương mại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
Trình tự tiến hành hòa giải thương mại theo Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP như sau:
- Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.
- Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.
- Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.
- Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.