Tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình tại phiên họp Ủy ban của Quốc hội

10/02/2024 11:00 AM

Xin cho tôi hỏi các vấn lựa chọn để giải trình tại phiên họp Ủy ban của Quốc hội được dựa trên các nguyên tắc nào? – Mỹ Linh (Kiên Giang)

Tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình tại phiên họp Ủy ban của Quốc hội

Tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình tại phiên họp Ủy ban của Quốc hội (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 23/01/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình tại phiên họp Ủy ban của Quốc hội

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15, các vấn đề được giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được lựa chọn theo một trong các tiêu chí sau đây:

(1) Vấn đề cụ thể, vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội; vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm, đòi hỏi phải được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

(2) Vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hoặc có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục;

(3) Vấn đề đã ghi trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề hoặc kết luận vấn đề được giải trình, kiến nghị giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhưng thực hiện chưa hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Trình tự, thủ tục lựa chọn vấn đề được giải trình tại phiên họp Ủy ban của Quốc hội

Việc lựa chọn vấn đề được giải trình trong chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được thực hiện như sau:

- Căn cứ tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình quy định tại Điều 4 và nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình quy định tại Điều 5 Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15, Tiểu ban, Nhóm nghiên cứu đề xuất vấn đề được giải trình;

- Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội xem xét, dự kiến vấn đề được giải trình, trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quyết định trong chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

- Trường hợp vấn đề được giải trình có liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban khác của Quốc hội, thì cơ quan chủ trì tổ chức phiên giải trình trao đổi với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban có liên quan về việc phối hợp tổ chức hoạt động giải trình;

- Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban xem xét, thông qua chương trình giám sát năm sau của Hội đồng, Ủy ban, trong đó có dự kiến vấn đề được giải trình.

Trường hợp do yêu cầu đột xuất của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công hoặc Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội thấy cần tổ chức phiên giải trình, thì Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban quyết định vấn đề được giải trình, báo cáo Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đồng thời với việc triệu tập phiên giải trình.

(Điều 4 Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15)

Nguyên tắc hoạt động giải trình tại phiên họp Ủy ban của Quốc hội

Hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Bảo đảm khách quan, minh bạch, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời.

- Phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được tổ chức công khai, trừ trường hợp vấn đề được giải trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật kinh doanh được pháp luật bảo vệ hoặc trường hợp khác do Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội quyết định.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan về bảo vệ bí mật công tác, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật kinh doanh.

(Điều 2 Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15)

Chia sẻ bài viết lên facebook 738

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079