Quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

18/03/2024 16:45 PM

Cho tôi hỏi theo pháp luật nước ta, quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định như thế nào? – Anh Thơ (Tuyên Quang)

Quản trị rủi ro và tổ chức quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Quản trị rủi ro và tổ chức quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Hình từ internet)

Quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang ngày càng phát triển tại Việt Nam với đa dạng các loại hình bảo hiểm, chính sách ưu đãi và thủ tục tiện lợi. Điều này làm cho các doanh nghiệp bảo hiểm có một số lượng hợp đồng rất lớn với lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, đi kèm với lợi ích càng lớn thì rủi ro sẽ càng cao, vì vậy, việc quản trị rủi ro trong hoạt động này là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Theo Điều 86 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản trị rủi ro nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát một cách hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

(1) Quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Có khả năng xác định và lượng hóa rủi ro phù hợp với tính chất, phạm vi và mức độ phức tạp của các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh, các tác động đến vốn, an toàn hoạt động và an toàn tài chính;

- Quy định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong hoạt động quản trị rủi ro và cơ cấu quản trị rủi ro;

- Có chính sách quản trị rủi ro rõ ràng, minh bạch, trong đó xác định rõ các loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan phát sinh từ hoạt động kinh doanh, khẩu vị rủi ro và cách thức quản lý đối với từng loại rủi ro. Chính sách quản trị rủi ro phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoặc được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thông qua;

- Thiết lập đầy đủ các giới hạn chấp nhận rủi ro đối với từng loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan, mối tương quan giữa các rủi ro đó. Các giới hạn chấp nhận rủi ro phải phù hợp với chính sách quản trị rủi ro, chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực, điều kiện công nghệ thông tin;

- Thiết lập đầy đủ các quy trình quản trị rủi ro, trong đó có quy trình giám sát, tiếp nhận và phản hồi kịp thời bất kỳ thay đổi rủi ro nào.

(2) Định kỳ hằng năm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro, trong đó đánh giá mức độ đầy đủ của quản trị rủi ro, khả năng thanh toán hiện tại và dự kiến trong tương lai với khung thời gian thống nhất với kế hoạch kinh doanh; xác định tổng thể các nguồn lực tài chính cần có để quản lý hoạt động kinh doanh trong khả năng chấp nhận rủi ro và các kế hoạch kinh doanh; kiểm tra sức chịu đựng và phân tích khả năng tiếp tục hoạt động.

Tổ chức quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Điều 4 Thông tư 70/2022/TT-BTC ngày 16/11/2020 yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải tổ chức quản trị rủi ro với 03 tuyến bảo vệ độc lập như sau:

Tuyến bảo vệ thứ nhất: Các bộ phận nghiệp vụ, là các bộ phận trực tiếp xác định, tiếp nhận, đánh giá, kiểm soát, báo cáo và theo dõi các rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh;

Tuyến bảo vệ thứ hai: Bộ phận quản trị rủi ro, bộ phận kiểm soát tuân thủ và các bộ phận khác có chức năng kiểm soát rủi ro đối với hoạt động của tuyến bảo vệ thứ nhất;

Tuyến bảo vệ thứ ba: Bộ phận kiểm toán nội bộ.

(2) Tùy theo quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài xây dựng cơ cấu tổ chức của tuyến bảo vệ thứ hai, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ sau:

- Tham mưu cho Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành quy định nội bộ về quản trị rủi ro;

- Phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ ở tuyến bảo vệ thứ nhất nhận dạng và theo dõi các rủi ro trọng yếu phát sinh;

- Xây dựng, sử dụng các mô hình đánh giá và đo lường rủi ro để cảnh báo, nhận biết sớm rủi ro và nguy cơ vi phạm các hạn mức rủi ro, đề xuất các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro phát sinh (nếu có);

- Lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đối với các rủi ro;

- Báo cáo định kỳ quý, năm và báo cáo đột xuất cho Tổng giám đốc (Giám đốc) về tình hình quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài; kịp thời báo cáo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài trong trường hợp phát hiện các rủi ro có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động. Báo cáo định kỳ quý phải được gửi không chậm hơn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, báo cáo định kỳ năm phải được gửi không chậm hơn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm.

Trương Quang Vĩnh

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,475

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079