Quy định về công tác cứu hộ đối với thang máy theo QCVN 02:2019/BLĐTBXH (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
(1) Phải trang bị cho thang máy hệ thống cứu hộ bằng điện hoặc cứu hộ bằng tay để có thể dễ dàng thao tác trong quá trình cứu hộ thang máy khi gặp sự cố:
- Cứu hộ bằng tay
+. Phải trang bị phương tiện cứu hộ bằng tay cho thang máy (thanh tác động, cần kéo, móc kéo...) để dịch chuyển cabin đến tầng dừng gần nhất.
+ Nếu không tiếp cận được máy dẫn động khi cứu hộ bằng tay phải có cơ cấu mở phanh máy dẫn động đặt bên ngoài giếng thang máy tại vị trí thuận tiện cho người thực hiện thao tác cứu hộ.
+ Tại vị trí mở phanh phải có các biện pháp để dễ dàng trong việc nhận biết được vị trí cabin (Có thể dùng cách đánh dấu lên cáp hoặc bằng cách quan sát hệ thống hiển thị của bộ điều khiển thang máy...).
+ Phải có cơ cấu nhả bộ khống chế vượt tốc đặt bên ngoài giếng thang tại vị trí thuận tiện cho người thực hiện thao tác cứu hộ.
- Cứu hộ bằng điện
Phải trang bị phương tiện cứu hộ bằng điện cho thang máy và đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Cho phép điều khiển chuyển động của cabin từ tủ điều khiển (tủ điều khiển phải được đặt ở bên ngoài giếng thang máy tại vị trí thuận tiện cho người thực hiện thao tác cứu hộ) bằng cách ấn nút liên tục. Chiều chuyển động phải được chỉ rõ.
+ Nếu tủ điều khiển lắp trong giếng thang mà không tiếp cận được thì phải có thiết bị điều khiển khác thay thế.
- Quy định về công tác bảo dưỡng, bảo trì thang máy
Nhà sản xuất thang máy phải đưa ra quy trình bảo dưỡng, bảo trì thích hợp để đảm bảo an toàn cho người trong quá trình bảo dưỡng, bảo trì.
- Quy trình cứu hộ
Nhà sản xuất thang máy phải đưa ra quy trình cứu hộ thích hợp trong trường hợp xảy ra sự cố.
(2) Thang máy phải trang bị hệ thống liên lạc khẩn cấp để người bên trong cabin liên lạc với người bên ngoài thang máy hoặc bộ phận cứu hộ trong trường hợp thang máy bị sự cố. Hệ thống liên lạc phải đảm bảo những yêu cầu sau:
- Các nút ấn hoặc thiết bị của thiết bị liên lạc phải được đặt bên trong cabin, ở các vị trí dễ nhìn, dẽ tiếp cận, dễ sử dụng và được kích hoạt trong trường hợp thang máy bị lỗi hoặc có sự cố xảy ra.
- Hệ thống liên lạc khẩn cấp phải hoạt động dựa trên giao tiếp bằng giọng nói 2 chiều, không bị gián đoạn trong suốt quá trình cứu hộ
- Hệ thống liên lạc khẩn cấp phải có bộ phận lưu trữ năng lượng riêng (pin, ắc quy hoặc các bô phận tương tự) giúp duy trì thời gian hoạt động tối thiểu 1 giờ ngay cả trong trường hợp nguồn điện dự phòng cho quạt hoặc hệ thống chiếu sáng bị ngắt.
- Thang máy được lắp đặt tại căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga...) thì hệ thống liên lạc bắt buộc phải được kết nối với bộ phận bảo vệ hoặc an ninh của tòa nhà và phải gắn số điện thoại liên lạc với bộ phận an ninh cứu hộ/người chịu trách nhiệm về an toàn của tòa nhà/ công trình trong trường hợp cần thiết trong cabin thang máy tại vị trí dễ quan sát.
- Hệ thống liên lạc phải được kiểm tra thường xuyên trong quá trình thực hiện việc bảo trì, kiểm định thang máy.
(3) Thang máy phải được trang bị hệ thống báo động để thông báo trạng thái hoạt động của thang máy. Thiết bị báo động phải đảm bảo rằng toàn bộ thông tin báo động được phát ra cho đến khi được xác nhận, ngay cả khi đang thực hiện bảo trì.
(Tiểu mục 2.1 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy QCVN 02:2019/BLĐTBXH)
Thang máy trong quá trình sử dụng phải được bảo trì định kỳ ít nhất 03 (ba) tháng một lần. Đối với các thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga...) thì thời hạn bảo trì định kỳ ít nhất 01 (một) tháng một lần.
Trách nhiệm của các đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy:
- Phải có sổ phân công, theo dõi việc lắp đặt, bảo trì (trong đó thể hiện được tên người chịu trách nhiệm, nội dung công việc, thời gian thực hiện);
- Phải bố trí người am hiểu về nguyên lý cấu tạo của thang máy, được huấn luyện về an toàn lao động và nắm bắt được các kỹ năng để thực hiện các công việc liên quan đến việc lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy.
- Phải tuân thủ các quy định tại QCVN 02:2019/BLĐTBXH và đảm bảo an toàn trong quá trình lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy.
- Phải đặt các biển cảnh báo, biển chỉ dẫn hoặc rào chắn để ngăn ngừa những người không có thẩm quyền tiếp cận vào khu vực đang thực hiện công việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa thang máy.
- Ghi chép về những nội dung kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì vào lý lịch của thang máy.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý thang máy:
- Tổ chức, cá nhân quản lý thang máy phải đảm bảo rằng thang máy phải được kiểm định, bảo trì định kỳ theo quy định tại mục 3.3 và mục 3.5.1 QCVN 02:2019/BLĐTBXH và phải đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi đưa thang máy vào hoạt động.
- Phối hợp với đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa trong việc cung cấp thông tin, các hồ sơ, tài liệu, các điều kiện để đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thực hiện.
- Lưu các hồ sơ, biên bản liên quan đến kết quả của công việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa hoặc thay thế các linh kiện, bộ phận của thang máy.
(Tiểu mục 3.5 Mục 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy QCVN 02:2019/BLĐTBXH)