05 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 16 Nghị định 142/2021/NĐ-CP thì việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo Điều 18 Nghị định 142/2021/NĐ-CP như sau:
- Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020):
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.
Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.
- Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải được ghi cụ thể trong quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
- Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với trường hợp bị tạm giữ ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Theo Điều 25 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định người được giao nhiệm vụ quản lý người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính có trách nhiệm thường xuyên giám sát, bảo vệ, trông coi người bị tạm giữ.
- Trường hợp phát hiện thấy người bị tạm giữ có thương tích, có biểu hiện về tâm lý, sức khỏe, hành vi không bình thường thì phải lập biên bản về tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ và báo cáo ngay với người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Trường hợp phát hiện những tình tiết có liên quan đến vụ việc vi phạm hoặc phát hiện người bị tạm giữ cất giấu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tang vật, phương tiện vi phạm thì phải lập biên bản về việc phát hiện những tình tiết liên quan và biên bản tạm giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đó.
- Tư trang, tài sản của người bị tạm giữ phải được ký gửi tại nơi tạm giữ. Việc giao, nhận tư trang tài sản ký gửi phải được ghi đầy đủ, cụ thể vào Sổ theo dõi tạm giữ người theo thủ tục hành chính và phải có xác nhận của người bị tạm giữ.
- Trường hợp tư trang, tài sản ký gửi có số lượng nhiều hoặc có giá trị lớn thì cán bộ được giao trách nhiệm quản lý phải lập biên bản ký gửi tư trang, tài sản, trong đó phải ghi đầy đủ, cụ thể số lượng, chủng loại, ký hiệu, hình thức, tình trạng đồ vật và các vấn đề khác có liên quan. Biên bản ký gửi tài sản phải được lập thành 02 bản, có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ, chữ ký của người nhận bảo quản tài sản và giao cho mỗi bên 01 bản.
- Khi hết thời hạn tạm giữ hoặc người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính chuyển đi nơi khác, người bị tạm giữ được nhận lại đầy đủ tư trang, tài sản đã ký gửi. Trường hợp phát hiện tư trang, tài sản ký gửi bị mất mát, hư hỏng thì người bị tạm giữ có quyền yêu cầu cơ quan tạm giữ có trách nhiệm bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.