Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố

16/04/2024 11:00 AM

Tôi muốn biết trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? – Thanh Bình (Đồng Tháp)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố

Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án trong trường hợp cần thiết.

- Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

- Quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can trong trường hợp phát hiện còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố, điều tra.

- Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung.

- Quyết định tách, nhập vụ án; chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

- Quyết định gia hạn, không gia hạn thời hạn truy tố, thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

- Quyết định truy tố.

- Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định phục hồi vụ án, quyết định phục hồi vụ án đối với bị can.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để quyết định việc truy tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

(Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố

Khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

(i) Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật;

(ii) Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật;

(iii) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để kiểm sát trong giai đoạn truy tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị quy định tại (i) và (ii), cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị cho Viện kiểm sát.

(Điều 237 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Hiện hành, hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân như sau:

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

- Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).

- Viện kiểm sát quân sự các cấp.

(Điều 2 và Điều 40 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,460

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079