Ngày 21 tháng 4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đúng không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ Điều 30 Luật Thư viện 2019 quy định về phát triển văn hóa đọc như sau:
- Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
- Phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động sau đây:
+ Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước;
+ Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông;
+ Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện;
+ Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
Như vậy, ngày 21 tháng 4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Theo Quyết định 1862/QĐ-TTg năm 2021, tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21 tháng 4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm:
- Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
- Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
(1) Nội dung
- Tập trung tổ chức các chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam từ ngày 15/4/2024 đến ngày 01/5/2024, với thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”.
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp về mục đích, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Tăng cường vận động, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, cộng đồng thường xuyên đến đọc sách tại các thư viện trường học, thư viện cộng đồng, thư viện số, thư viện trực tuyến trên môi trường mạng; tổ chức các hoạt động khuyến đọc đa dạng (đọc sách giấy, sách điện tử,...), gắn với công tác chuyên môn (học tập, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học ...), sinh hoạt văn hóa của nhà trường.
- Chỉ đạo cơ sở giáo dục và đào tạo phát huy tốt vai trò của hệ thống thư viện, tăng cường phối hợp và liên thông giữa thư viện nhà trường với thư viện tỉnh, thư viện cộng đồng, câu lạc bộ đọc sách, các nhà xuất bản trên địa bàn; chia sẻ những nội dung, ý nghĩa, trải nghiệm từ đọc sách đối với cá nhân, tổ chức.
(2) Cách thức tổ chức
- Tổ chức các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, hiệu quả; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và cha mẹ học sinh cũng như các cá nhân, tổ chức quan tâm đến khuyến đọc đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Tổ chức các cuộc thi, hội thi, trò chơi, giao lưu, hội thảo, nói chuyện, tọa đàm tìm hiểu về sách; các cuộc thi đọc sách, thi bình sách; giới thiệu các kỷ lục về sách; trao tặng sách, đấu giá sách; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành thư viện cho cán bộ thư viện trường học. Phát động phong trào luân chuyển sách, báo, tài liệu và trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học; khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: giới thiệu sách, điểm sách theo chủ đề, trưng bày sách, triển lãm sách, kể chuyện theo sách, vui đọc sách, trò chơi về sách, diễn kịch theo sách, viết bài bình luận, bài thu hoạch, vẽ tranh theo sách, trang trí bìa sách, hóa trang nhân vật yêu thích, thi ảnh góc đọc sách ưa thích, thuyết minh phim,... triển khai có hiệu quả tiết học, tiết đọc thư viện, nhất là đối với cấp tiểu học.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thư viện cũng như hoạt động đọc sách của các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường sử dụng, khai thác học liệu số, sách báo điện tử, thư viện điện tử, thư viện trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng nguồn học liệu số hữu ích, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
- Tăng cường tuyên truyền, truyền thông ý nghĩa của việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; ghi nhận, biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, khuyến khích học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình.
(Công văn 1585/BGDĐT-GDTX năm 2024)