Nội dung quản lý viên chức gồm những gì? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ Điều 47 Luật Viên chức 2010 quy định quản lý nhà nước về viên chức như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về viên chức.
- Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về viên chức và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
+ Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về viên chức;
+ Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức trình cấp có thẩm quyền quyết định;
+ Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc ban hành hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp;
+ Quản lý công tác thống kê về viên chức; hướng dẫn việc lập, quản lý hồ sơ viên chức; phát triển và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về viên chức;
+ Thanh tra, kiểm tra việc quản lý nhà nước về viên chức;
+ Hàng năm, báo cáo Chính phủ về đội ngũ viên chức.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về viên chức.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về viên chức.
Theo Điều 6 Luật Viên chức 2010 quy định các nguyên tắc quản lý viên chức bao gồm:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự thống nhất quản lý của Nhà nước.
- Bảo đảm quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.
- Thực hiện bình đẳng giới, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức là người có tài năng, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với viên chức.
- Xây dựng kế hoạch, quy hoạch viên chức.
- Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc tương ứng.
- Tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc, bố trí, phân công nhiệm vụ, biệt phái, kiểm tra và đánh giá viên chức.
- Tổ chức thực hiện thay đổi chức danh nghề nghiệp.
- Tổ chức thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
- Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với viên chức.
- Tổ chức thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức.
- Giải quyết thôi việc và nghỉ hưu đối với viên chức.
- Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và quản lý hồ sơ viên chức.
- Thanh tra, kiểm tra việc thi hành quy định của pháp luật về viên chức.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với viên chức.
Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ thực hiện các nội dung quản lý quy định trên. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm báo cáo cấp trên về tình hình quản lý, sử dụng viên chức tại đơn vị.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý viên chức hoặc phân cấp thực hiện các nội dung quản lý quy định trên cho đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý.
(Điều 48 Luật Viên chức 2010 và Điều 61 Nghị định 115/2020/NĐ-CP)