Hồ sơ về nhân sự trình Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội có những gì?

02/05/2024 08:30 AM

Xin cho tôi hỏi hồ sơ về nhân sự trình Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội có những gì? – Thu Uyên (Bình Dương)

Hồ sơ về nhân sự trình Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội có những gì?

Hồ sơ về nhân sự trình Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội có những gì? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Hồ sơ về nhân sự trình Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội có những gì?

Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội là hai chức danh trong bộ máy nhà nước do Quốc hội bầu.

Theo đó, dựa theo tiêu chuẩn trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, hồ sơ về người dự kiến để Quốc hội bầu vào chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu phải có những giấy tờ, văn bản như sau:

(1) Sơ yếu lý lịch theo mẫu hiện hành của Ban Tổ chức Trung ương do cá nhân tự khai, được cơ quan trực tiếp quản lý người đó xác nhận, có dán ảnh khổ 4 x 6 cm và đóng dấu giáp lai.

Đối với người được giới thiệu không thuộc sự quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì sơ yếu lý lịch phải được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận, đóng dấu giáp lai vào ảnh;

(2) Tiểu sử tóm tắt do cá nhân tự khai theo Mẫu 2 của Phụ lục kèm theo Nghị quyết 31/2023/UBTVQH15, được cơ quan trực tiếp quản lý người đó xác nhận, có dán ảnh khổ 4 x 6 cm và đóng dấu giáp lai. Đối với người được giới thiệu không thuộc sự quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì tiểu sử tóm tắt phải được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận, đóng dấu giáp lai vào ảnh;

(3) Đánh giá, nhận xét 03 năm gần nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị của cấp có thẩm quyền về: phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ; năng lực công tác và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó thể hiện rõ những sản phẩm cụ thể, thành tích công tác, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) của người được giới thiệu trong quá trình công tác; uy tín và triển vọng phát triển;

(4) Đánh giá, nhận xét của chi bộ, đảng ủy cơ quan nơi công tác;

(5) Nhận xét của cấp ủy nơi cư trú đối với người được giới thiệu và gia đình;

(6) Kết luận của cấp có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị của người được giới thiệu theo quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng;

(7) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu hiện hành của Chính phủ về kê khai tài sản;

(8) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị... có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Đối với văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì phải có chứng nhận của đơn vị có thẩm quyền thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo;

(9) Giấy khám sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền cấp.

Các tài liệu quy định tại (1), (2), (3), (4), (5), (7) và (9) được làm trước không quá 06 tháng tính đến thời điểm xem xét.

(Khoản 1 Điều 11 Nghị quyết 31/2023/UBTVQH15)

Tiêu chuẩn của chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Ngoài việc phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung nêu tại Mục 1 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, để trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội thì còn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cụ thể như sau:

**Chủ tịch nước

Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:

- Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp.

- Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

**Chủ tịch Quốc hội

Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:

- Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng, trong Quốc hội và nhân dân. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

- Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

- Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

(Điểm 2.4 và 2.6 Mục 2 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020)

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,136

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079