02 tội vô ý làm chết người theo Bộ luật Hình sự 2015

24/05/2024 11:30 AM

Xin cho tôi hỏi có mấy tội vô ý làm chết người theo Bộ luật Hình sự 2015? - Mạnh Hùng (Tiền Giang)

02 tội vô ý làm chết người theo Bộ luật Hình sự 2015

02 tội vô ý làm chết người theo Bộ luật Hình sự 2015 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Vô ý phạm tội là gì?

Căn cứ Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015, vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

- Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

- Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

02 tội vô ý làm chết người theo Bộ luật Hình sự 2015

(1) Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015:

Khung 1:  Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Khung 2: Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

(2) Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015:

Khung 1: Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Khung 2: Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Quy định về miễn chấp hành hình phạt theo Bộ luật Hình sự 2015

(1) Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

(2) Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Sau khi bị kết án đã lập công;

- Mắc bệnh hiểm nghèo;

- Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

(3) Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

(4) Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

(5) Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

- Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định trên vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

(Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 17,840

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079