Trẻ em có thể được đứng tên sổ đỏ

25/05/2024 13:57 PM

Hiện nay pháp luật chưa quy định rõ về độ tuổi được đứng tên trên sổ đỏ nên trẻ em vẫn là đối tượng có thể được đứng tên sổ đỏ.

Trẻ em có thể được đứng tên sổ đỏ (Hình từ internet)

Trẻ em có thể được đứng tên sổ đỏ

Theo quy định của pháp luật hiện nay trẻ em là người dưới 16 tuổi (Điều 1 Luật Trẻ em 2016)

Bên cạnh đó, căn cứ tại khoản 21 Điều 2 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường được gọi là sổ đỏ).

Đối với thông tin người sử dụng đất trên giấy chứng nhận thì tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 14/2023/TT-BTNMT) được quy định như sau:

Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…” hoặc “số định danh cá nhân:…;

Cho đến nay, Luật Đất đai 2013 hay Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không quy định giới hạn độ tuổi được cấp giấy chứng nhận nên dựa theo nguyên tắc này thì cá nhân ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Mặc dù như vậy, nhưng Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về độ tuổi khi thực hiện các giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự của từng độ tuổi như sau:

- Người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Do vậy, trường hợp muốn cho trẻ em đứng tên thì trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật của đứa trẻ đó.

Và trong trường hợp, trẻ em là đối tượng được nhận tặng cho bất động sản thì khi làm thủ tục nhận tặng cho phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật và trong Giấy chứng nhận phải có tên của người đại diện và sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 thì miễn thuế thu nhập từ nhận đối với thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

Cùng với đó, tại khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định miễn lệ phí trước bạ với nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Và theo quy định tại khoản 1 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong trường hợp khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng. Nếu di sản thừa kế là bất động sản thì khi thai nhi sinh ra sẽ được nhận thừa kế và cũng được đứng tên trên sổ đỏ nếu được người đại diện theo pháp luật của đứa trẻ mới sinh xác lập, thực hiện.

Có thể thấy, việc trẻ em được nhận thừa kế hoặc tặng cho là bất động sản ở các trường hợp nêu trên thì được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Như vậy, pháp luật hiện không có quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trên sổ đỏ và không phân biệt cá nhân là người thành niên, người chưa thành niên hay trẻ em mà chỉ quy định cá nhân nói chung đều được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nên về nguyên tắc, trẻ em có thể được đứng tên sổ đỏ.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,857

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079