Quy định về lấy ý kiến để khen thưởng mới nhất

21/06/2024 12:45 PM

Nội dung bài viết trình bày quy định về việc lấy ý kiến để khen thưởng dựa trên văn bản quy định pháp luật hiện hành.

Quy định về lấy ý kiến để khen thưởng mới nhất

Quy định về lấy ý kiến để khen thưởng mới nhất (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định về lấy ý kiến để khen thưởng mới nhất

Tại Điều 31 Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định về lấy ý kiến để khen thưởng như sau:

- Việc lấy ý kiến để khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước quy định tại khoản 3, Điều 84 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và quy định của cấp có thẩm quyền do bộ, ban, ngành, tỉnh trình khen thưởng thực hiện theo quy định từ khoản 2 đến khoản 4 Điều 31 Nghị định 98/2023/NĐ-CP.

- Khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương có tư cách pháp nhân thuộc cấp quản lý trực tiếp của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung trong đóng trên địa bàn địa phương, phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung:

+ Việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết quả hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể (nếu tổ chức đảng, đoàn thể sinh hoạt tại địa phương);

+ Thực hiện chế độ bảo hiểm cho công nhân, người lao động; đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm (đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh);

+ Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải lấy ý kiến để khen thưởng: “Cờ thi đua của Chính phủ”, huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

- Khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cá nhân là cấp trưởng của đơn vị cùng cấp, phải lấy ý kiến của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về nội dung:

+ Kết quả tham mưu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao (đối với tập thể): Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao (đối với cá nhân) trong thời gian tính thành tích đề nghị khen thưởng;

+ Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải lấy ý kiến để khen thưởng: “Cờ thi đua của Chính phủ”, huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

- Khen thưởng đối ngoại phải xin ý kiến của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

- Bộ Nội vụ thực hiện việc xin ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ để khen thưởng đối với tập thể là bộ, ban, ngành, tỉnh; xin ý kiến Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ về chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để khen thưởng đối với tổ chức kinh tế, cá nhân là người đại diện pháp luật của tổ chức kinh tế; việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để khen thưởng đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện theo quy định của Đảng.

- Khi nhận được văn bản xin ý kiến về việc khen thưởng của bộ, ban, ngành tỉnh hoặc Bộ Nội vụ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị (tính theo dấu bưu điện), cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đúng thời gian quy định. Thủ trưởng cơ quan được xin ý kiến khen thưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật về thời gian trả lời văn bản và nội dung được xin ý kiến.

Trường hợp Bộ Nội vụ xin ý kiến mà cơ quan chức năng không cho ý kiến thì Bộ Nội vụ trình khen thưởng theo quy định.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến thống nhất hoặc đồng ý của cơ quan chức năng, Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.

2. Nguyên tắc xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng

Tại Điều 4 Nghị định 98/2023/NĐ-CP thì nguyên tắc xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng như sau:

- Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn.

- Cấp có thẩm quyền khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ theo quy định.

- Kết quả khen thưởng thành tích đột xuất, thi đua theo chuyên đề không dùng làm căn cứ để đề nghị cấp trên khen thưởng công trạng.

- Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho cá nhân, tập thể trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh làm rõ.

Trường hợp cá nhân, tập thể bị kỷ luật, sau khi chấp hành xong thời gian kỷ luật, cá nhân, tập thể lập được thành tích thì thành tích khen thưởng được tính từ thời điểm chấp hành xong thời gian thi hành kỷ luật.

- Thời gian nghỉ thai sản đối với cá nhân theo quy định được tính để xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

- Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng.

- Thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cá nhân là nữ lãnh đạo, quản lý được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung. Trường hợp cá nhân nữ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng được quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian để xét khen thưởng quá trình cống hiến thực hiện theo quy định chung.

Tô Quốc Trình

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,838

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079