Căn cứ và phương thức tính thù lao luật sư mới nhất (Hình ảnh từ Internet)
Tại Điều 54 Luật Luật sư 2006 thì khách hàng phải trả thù lao khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư. Việc nhận thù lao được thực hiện theo quy định của Luật Luật sư 2006và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tại Điều 55 Luật Luật sư 2006 quy định về căn cứ và phương thức tính thù lao luật sư như sau:
* Mức thù lao được tính dựa trên các căn cứ sau đây:
- Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý;
- Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý;
- Kinh nghiệm và uy tín của luật sư.
* Thù lao được tính theo các phương thức sau đây:
- Giờ làm việc của luật sư;
- Vụ, việc với mức thù lao trọn gói;
- Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án;
- Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định.
Tại Điều 56 Luật Luật sư 2006 quy định về thù lao, chi phí trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý như sau:
- Mức thù lao được thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định.
- Tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý do các bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Tại Điều 57 Luật Luật sư 2006 thì Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được nhận thù lao và được thanh toán chi phí theo quy định của Chính phủ.
Tại Điều 58 Luật Luật sư 2006 quy định về tiền lương theo hợp đồng lao động của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân như sau:
- Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động được nhận tiền lương theo thoả thuận trong hợp đồng lao động.
- Việc thỏa thuận, chi trả tiền lương được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Tại Điều 18 Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định mức thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư 2006 và được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Thời gian làm việc của luật sư do luật sư và khách hàng thỏa thuận.
Khuyến khích văn phòng luật sư, công ty luật miễn, giảm thù lao luật sư cho những người nghèo, đối tượng chính sách.
Theo Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thù lao và chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng như sau:
- Đối với những vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư thì mức thù lao được trả cho 01 ngày làm việc của luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
- Thời gian làm việc của luật sư được tính bao gồm:
+ Thời gian gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
+ Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa;
+ Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu;
+ Thời gian tham gia phiên tòa;
+ Thời gian hợp lý khác để thực hiện việc tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời gian làm việc của luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án xác nhận.
- Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên tòa và các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư được thanh toán chi phí tàu xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.
- Cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu luật sư tham gia tố tụng có trách nhiệm thanh toán theo đúng quy định về thù lao và các khoản chi phí nêu tại khoản 1 và khoản 3 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Nguồn kinh phí chi trả được dự toán trong ngân sách hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.
- Ngoài khoản thù lao và chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, luật sư không được đòi hỏi thêm bất cứ khoản tiền, lợi ích nào khác từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ.
Tô Quốc Trình