Quy định về trang bị, phương tiện cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (Hình từ Internet)
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 83/2017/NĐ-CP thì cứu nạn và cứu hộ là:
- Cứu nạn là hoạt động cứu người bị nạn khỏi nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận người bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố đe dọa tính mạng, sức khỏe người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ; tư vấn biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu; đưa người bị nạn khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
- Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản khỏi nguy hiểm do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận phương tiện, tài sản bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản và sức khỏe, tính mạng lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đưa phương tiện, tài sản khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa phương tiện, tài sản đến vị trí an toàn.
Theo Điều 29 Nghị định 83/2017/NĐ-CP thì trang bị, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy được quy định như sau:
- Trang bị phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ:
+ Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ và trang phục chuyên dùng phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ;
+ Phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành, cơ sở do cơ quan, tổ chức, cơ sở trang bị phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh và yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ tại cơ quan, tổ chức, cơ sở;
+ Phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng do Ủy ban nhân dân cấp xã trang bị phù hợp với tính chất, đặc điểm về địa lý, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý.
- Phương tiện chuyên dùng và phương tiện khác phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy phải được quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.
- Phương tiện chuyên dùng cho công tác cứu nạn, cứu hộ được nghiên cứu, sản xuất trong nước hay nhập khẩu phải bảo đảm chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện của Việt Nam.
Việc bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Điều 30 Nghị định 83/2017/NĐ-CP như sau:
- Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, bao gồm đất đai, trụ sở, công trình; phương tiện, thiết bị, trang phục cứu nạn, cứu hộ, thông tin liên lạc, kỹ thuật nghiệp vụ, quyền ưu tiên và các điều kiện vật chất, kỹ thuật khác.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm bảo đảm cơ sở, vật chất và các phương tiện, thiết bị phù hợp phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ tại cơ quan, tổ chức, cơ sở do mình quản lý.
Võ Tấn Đại