Nội dung thi tuyển công chức từ 01/8/2024 (Hình từ internet)
Trước đây, theo Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP thì cá nhân thi tuyển công chức phải thực hiện theo 2 vòng thi gồm: Thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung và Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 06/2023/NĐ-CP thì kể từ ngày 01/8/2024, cá nhân thi tuyển công chức sẽ chỉ phải thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Theo đó, hình thức thi tuyển công chức sẽ tùy vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển mà người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; viết; kết hợp phỏng vấn và viết.
Trong đó nội dung thi bao gồm:
Kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Lưu ý: Nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành phải căn cứ vào chức trách, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của ngạch công chức và phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Trường hợp cơ quan quản lý công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thì thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.
(Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 06/2023/NĐ-CP))
Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau:
- Có kết quả điểm thi môn nghiệp vụ chuyên ngành đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp thi kết hợp phỏng vấn và viết thì người dự thi phải dự thi đủ phỏng vấn và viết;
- Có kết quả điểm thi môn nghiệp vụ chuyên ngành cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Trong trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm thi đã được cộng điểm ưu tiên mà bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi môn nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển;
Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
Lưu ý: Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
(Điều 9 Nghị định 138/2020/NĐ-CP)
Cụ thể tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 06/2023/NĐ-CP có quy định kể từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
Theo đó, việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo Điều 4 Nghị định 06/2023/NĐ-CP như sau:
- Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
- Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
- Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
- Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định 06/2023/NĐ-CP và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.