Căn cứ xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm

12/10/2024 10:30 AM

Nội dung bài viết sau cập nhật các căn cứ xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm theo quy định pháp luật hiện hành, theo đó là các quy định pháp luật liên quan.

Căn cứ xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm

Căn cứ xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm (Hình ảnh từ Internet)

1. Căn cứ xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm

Theo Điều 15 Nghị định 94/2018/NĐ-CP thì việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công căn cứ vào:

- Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; chương trình quản lý nợ công 03 năm.

- Nhiệm vụ huy động vốn để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, vay mới để trả nợ gốc theo dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

- Tình hình thị trường vốn trong nước, nước ngoài; dự kiến lãi suất, tỷ giá, nhu cầu cơ cấu lại các khoản nợ Chính phủ năm kế hoạch.

- Hạn mức dư nợ, bội chi ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công năm hiện hành và nhu cầu sử dụng vốn vay cho các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương, đối tượng được vay lại và đối tượng được bảo lãnh Chính phủ.

2. Nội dung kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm

* Kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ:

- Kế hoạch huy động vốn vay gồm phát hành công cụ nợ trên thị trường vốn trong nước, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế và huy động từ các nguồn vốn vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

- Kế hoạch sử dụng vốn vay gồm bù đắp bội chi ngân sách trung ương, trả nợ gốc đến hạn, cơ cấu lại các khoản nợ của Chính phủ, cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

- Kế hoạch trả nợ gồm gốc, lãi, phí và chi phí liên quan đến khoản vay, công cụ nợ phát hành, trong đó bao gồm kế hoạch trả nợ trực tiếp của Chính phủ và trả nợ vay về cho vay lại.

* Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương:

- Kế hoạch huy động vốn vay gồm vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các ngân hàng chính sách của Nhà nước, vay ngân quỹ Nhà nước, vay từ các tổ chức tín dụng và vay trong nước khác theo quy định của Luật Quản lý nợ công 2017 và pháp luật về ngân sách nhà nước;

- Kế hoạch sử dụng vốn vay của chính quyền địa phương gồm: Bù đắp bội chi ngân sách địa phương, trả nợ gốc đến hạn;

- Kế hoạch trả nợ của chính quyền địa phương bao gồm trả nợ gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan theo từng nguồn vốn vay; xác định nguồn để trả nợ.

* Hạn mức vay ODA, vay ưu đãi về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ bao gồm:

- Hạn mức vay về cho vay lại bao gồm cho vay lại chính quyền địa phương và cho vay lại đối với đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp;

- Hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm bao gồm bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội; bảo lãnh vay trong nước, nước ngoài của doanh nghiệp.

(Tại Điều 14 Nghị định 94/2018/NĐ-CP)

3. Trình tự lập, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm

Theo Điều 16 Nghị định 94/2018/NĐ-CP thì việc lập, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm được thực hiện theo trình tự sau:

- Hằng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ là cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ dự án trực thuộc lập kế hoạch giải ngân, sử dụng vốn theo từng chương trình, dự án trình cơ quan chủ quản để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

- Đối tượng vay lại, đối tượng được bảo lãnh lập kế hoạch vay, trả nợ đối với các khoản vay lại và bảo lãnh Chính phủ, gửi Bộ Tài chính để xác định hạn mức vay ODA, vay ưu đãi về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ theo quy định của Nghị định của Chính phủ về quản lý cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ và Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, trình Chính phủ quyết định.

- Bộ Tài chính xây dựng tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương và tổng hợp mức vay, trả nợ của ngân sách địa phương vào dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

- Căn cứ tổng mức vay, trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, hạn mức vay ODA, hạn mức vay ưu đãi nước ngoài về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ đã được Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Căn cứ kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, bảo đảm trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được phê duyệt.

Chia sẻ bài viết lên facebook 539

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079