Quy định mới về sát hạch bằng lái xe cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt từ 01/6/2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 31/3/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Hạng A1 và hạng A4 là các hạng giấy phép lái xe cấp cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt.
Theo đó, việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe cấp cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt từ ngày 01/6/2024 được quy định như sau:
- Nội dung và quy trình sát hạch lái xe: thực hiện theo nội dung và quy trình sát hạch lái xe hạng A1 và A4 quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT);
- Việc tổ chức sát hạch được thực hiện như sau: tổ chức sát hạch riêng.
Sát hạch lý thuyết bằng hình thức hỏi - đáp; sử dụng phương pháp trắc nghiệm trên giấy; thời gian thi là 30 phút. 02 (hai) sát hạch viên thực hiện nhiệm vụ, sát hạch lần lượt cho từng thí sinh; mỗi thí sinh chọn ngẫu nhiên 01 đề sát hạch trong bộ đề; 01 sát hạch viên đọc câu hỏi và quan sát thí sinh, 01 sát hạch viên đánh dấu nhân (x) vào ô tương ứng mà thí sinh chọn trên bài sát hạch lý thuyết; Sát hạch viên chấm điểm, ký tên xác nhận vào bài sát hạch lý thuyết, biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe và thông báo kết quả sát hạch cho thí sinh.
Thực hiện nội dung sát hạch thông qua người phiên dịch, người phiên dịch phải dịch đúng, đủ câu hỏi của sát hạch viên và câu trả lời của thí sinh; cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm thuê người phiên dịch;
- Thí sinh ký tên hoặc điểm chỉ tại vị trí ký tên trong biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe, bài sát hạch lý thuyết, biên bản sát hạch thực hành lái xe trong hình.
Trước khi thực hiện việc sát hạch, người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt sẽ phải trải qua quy trình đào tạo lái xe mô tô hạng A1, hạng A4, cụ thể:
- Hình thức đào tạo: người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện theo chương trình đào tạo lái xe quy định tại Điều 12 và Mục A, Mục B Phụ lục số 31 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT)
Lớp học cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt phải giảng dạy riêng và có người phiên dịch;
- Phương pháp đào tạo: bằng hình ảnh trực quan, tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, mô hình, sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông đường bộ; hỏi - đáp và thực hành làm mẫu để thực hiện nội dung chương trình đào tạo lái xe.
(Khoản 4 Điều 43 và khoản 4 Điều 44 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, sửa đổi tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT)
Hồ sơ của người học lái xe từ ngày 01/6/2024 được quy định như sau:
(1) Người học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT;
- Bản sao thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
(2) Người học lái xe nâng hạng lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo và chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe. Hồ sơ bao gồm:
- Giấy tờ quy định tại (1) mục này;
- Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch);
- Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT.
(3) Người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
(Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, sửa đổi tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT)
Xem thêm tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ 01/6/2024.
Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông: Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY Hoặc Quét mã QR dưới đây: |