1. Thời hạn sử dụng tài khoản truy cập Cổng thông tin hải quan
Quyết định 33/2016/QĐ-TTg về quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10/2016.
Theo đó, thời hạn sử dụng của tài khoản dùng để truy cập Cổng thông tin hải quan được quy định như sau:
- 24 tháng (hoặc do bên sử dụng thông tin đề nghị nhưng không quá 24 tháng) đối với tài khoản đăng ký mới hoặc bổ sung thời hạn sử dụng;
- Thời hạn được tính từ ngày Tổng cục Hải quan (TCHQ) gửi văn bản thông báo kết quả đăng ký mới hoặc bổ sung thời hạn sử dụng cho đầu mối đăng ký của bên sử dụng thông tin;
- 30 ngày trước thời điểm hết hạn sử dụng, TCHQ có trách nhiệm thông báo tới từng cá nhân đăng ký tài khoản về việc chuẩn bị hết hạn sử dụng dưới hình thức thư điện tử hoặc tin nhắn từ các địa chỉ, số điện thoại do TCHQ công bố chính thức.
2. Hệ số điều chỉnh lương quản lý là người đại diện vốn Nhà nước
Từ ngày 15/10/2016, Thông tư 28/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quy định về tiền lương, thù lao đối với Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với quy mô lợi nhuận theo lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của công ty đối với quản lý là người đại diện vốn Nhà nước được quy định như sau:
- Hệ số tối đa bằng 0,5 đối với công ty có lợi nhuận từ 50 tỷ đến dưới 100 tỷ đồng;
- Hệ số tối đa bằng 1,0 đối với:
+ Công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 500 tỷ đồng;
+ Công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 300 tỷ đồng;
+ Công ty thuộc các lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 100 tỷ đến dưới 200 tỷ đồng.
- Hệ số tối đa bằng 1,5 đối với:
+ Công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 500 tỷ đến dưới 1000 tỷ đồng;
+ Công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 300 tỷ đến dưới 700 tỷ đồng;
+ Công ty thuộc các lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 200 tỷ đến dưới 500 tỷ đồng.
3. Chương trình xây dựng văn bản quy phạm lĩnh vực GTVT
Từ ngày 15/10/2016, Thông tư 21/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực giao thông vận tải bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, thời gian lập chương trình xây dựng VBQPPL được quy định như sau:
- Trước ngày 10 tháng 6 hàng năm, các Vụ, Tổng cục, Cục, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác thuộc Bộ đăng ký xây dựng VBQPPL năm sau gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp.
- Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, Vụ Khoa học - Công nghệ gửi Danh mục Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Vụ Pháp chế để tổng hợp, trình Bộ trưởng ký Quyết định ban hành Chương trình xây dựng VBQPPL.
Khi cần bổ sung VBQPPL vào Chương trình, các Vụ, Tổng cục, Cục đề xuất kế hoạch xây dựng gửi Vụ Pháp chế lần đầu; Vụ Pháp chế xem xét, tổng hợp, tham mưu trình Bộ trưởng ký ban hành kế hoạch bổ sung.
4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Bộ
Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ có hiệu lực từ ngày 15/10/2016.
Theo đó, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ được quy định như sau:
- Tổ chức bộ máy của Bộ được thực hiện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
- Hoạt động của Bộ phải được công khai, minh bạch; đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng.
- Đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.