1. Xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản
Ngày 21/6/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, điều kiện để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi:
- Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Dự án không có tranh chấp quyền sử dụng đất đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án; không đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính.
- Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định.
Nghị quyết 42/2017/QH14 được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 15/8/2017.
2. Hướng dẫn các nội dung của hợp đồng bảo lãnh tín dụng
Từ ngày 15/8/2017, Quyết định 23/2017/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 246/2006/QĐ-TTg về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) và Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, hợp đồng bảo lãnh tín dụng gồm có 03 bên: Quỹ hỗ trợ phát triển HTX bảo lãnh, bên được bảo lãnh và tổ chức tín dụng cho vay vốn thỏa thuận, gồm có các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, bên được bảo lãnh và tổ chức tín dụng cho vay vốn.
- Địa điểm, thời điểm ký kết hợp đồng bảo lãnh tín dụng.
- Nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay phát sinh theo hợp đồng tín dụng.
- Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo lãnh tín dụng.
- Mục đích, nội dung bảo lãnh tín dụng.
- Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
- Biện pháp bảo đảm bảo lãnh, giá trị tài sản bảo đảm.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Thỏa thuận về các nguyên tắc xử lý trong trường hợp Quỹ thực hiện trả nợ thay (gồm lãi suất, thời hạn và các nội dung khác liên quan) cho bên được bảo lãnh phù hợp quy định của pháp luật.
- Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên liên quan.
- Những thỏa thuận khác phù hợp quy định của pháp luật.
3. Bổ sung loại hình Bên đi vay
Thông tư 05/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ 15/8/2017.
Theo đó, Bổ sung loại hình Bên đi vay là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (mã loại hình SOB) vào Nhóm ngân hàng tại Điểm 5 của Phụ lục 4A và Phụ lục 4B của Thông tư 03.
4. Bãi bỏ 20 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng
Thông tư 04/2017/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành từ ngày 12/8/2017) bãi bỏ toàn bộ 20 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; cụ thể như sau:
- Quyết định 181/QĐ-NH ngày 10/10/1991; 394/1997/QĐ-NHNN1 ngày 28/11/1997; 218/1998/QĐ-NHNN1 ngày 01/7/1998; 134/2000/QĐ-NHNN2 ngày 18/4/2000; 1134/2001/QĐ-NHNN ngày 26/9/2001; 19/2006/QĐ-NHNN ngày 04/5/2006; 47/2007/QĐ-NHNN ngày 25/12/2007; 17/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008; 19/2008/QĐ-NHNN ngày 01/7/2008.
- Thông tư 11/2003/TT-NHNN ngày 11/12/2003; 06/2004/TT-NHNN ngày 27/9/2004 ; 04/2007/TT-NHNN ngày 13/6/2007; 18/2009/TT-NHNN ngày 14/8/2009.
- Chỉ thị 03/2004/CT-NHNN ngày 09/02/2004; 05/2006/CT-NHNN ngày 21/12/2006; 04/2007/CT-NHNN ngày 08/10/2007; 03/2008/CT-NHNN ngày 22/04/2008; 04/2008/CT-NHNN ngày 27/08/2008; 05/2008/CT-NHNN ngày 09/10/2008.
- Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31/01/2008.