1. Từ 05/12/2017, trên “sổ đỏ” sẽ ghi tên các thành viên trong hộ gia đình
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT về sửa đổi, bổ sung một số quy định hướng dẫn thi hành Luật đất đai.
Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cấp cho hộ gia đình (HGĐ) được ghi thông tin như sau:
- HGĐ sử dụng đất thì ghi “HGĐ, gồm ông” (hoặc “HGĐ, gồm bà”) thay vì ghi “Hộ ông” hoặc “Hộ bà” như quy định hiện hành.
- Sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ HGĐ; địa chỉ thường trú của HGĐ.
- Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với...(ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân các thành viên còn lại trong HGĐ có chung QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
- Trường hợp chủ HGĐ không có QSDĐ chung của HGĐ thì ghi người đại diện là thành viên khác của HGĐ có chung QSDĐ với HGĐ.
2. Công bố gói dịch vụ y tế cơ bản áp dụng từ ngày 01/12/2017
Ngày 18/10/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản (GDVYTCB) cho tuyến cơ sở.
Theo đó, công bố 02 GDVYTCB gồm: “GDVYTCB do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” và “GDVYTCB phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe”. Cụ thể:
- “GDVYTCB do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” được áp dụng tại trạm y tế cấp xã và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế và phòng khám quân dân y gồm 76 kỹ thuật khám, chữa bệnh và 241 loại thuốc sử dụng tại tuyến xã;
- “GDVYTCB phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe” được áp dụng tại trung tâm y tế cấp huyện và các trạm y tế cấp xã gồm các dịch vụ thiết yếu sau:
+ Các dịch vụ tư vấn, truyền thông, giáo dục, nâng cao sức khỏe như: ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện...;
+ Các dịch vụ giám sát và phòng, chống các bệnh, dịch truyền nhiễm;
+ Các dịch vụ về y tế học đường...
Thông tư 39/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
3. Đổi mới thời hạn nâng lương cho người làm công tác cơ yếu
Nội dung nổi bật này được đề cập tại Thông tư 07/2017/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 01/12/2017) về chế độ tiền lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước.
Theo đó, điều kiện thời gian nâng bậc lương cấp hàm cơ yếu được điều chỉnh so với quy định hiện hành như sau:
- Từ bậc 8 hệ số lương (HSL) 8.00 lên bậc 9 HSL 8.60 là 4 năm (quy định hiện hành không xác định thời gian);
- Từ bậc 9 HSL 8.60 lên bậc 10 HSL 9.20 là 4 năm (quy định hiện hành không có HSL bậc 10).
Thời hạn nâng bậc lương các hàm cấp từ bậc 1 đến bậc 7 tiếp tục giữ nguyên như quy định hiện hành.
Thông tư 07/2017/TT-BNV thay thế Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 18/02/2005.
4. Áp dụng nhiều mẫu biên bản, quyết định mới để xử phạt vi phạm giao thông
Thông tư 37/2017/TT-BGTVT quy định mẫu biên bản, quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thay thế Thông tư 05/2014/TT-BGTVT ngày 31/3/2014.
Theo đó, bổ sung một số mẫu biên bản, quyết định xử phạt VPHC mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt so với quy định hiện hành, đơn cử như:
- Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
- Quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt VPHC;
- Quyết định giao quyền xử phạt VPHC;
- Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc VPHC;
- Biên bản niêm phong tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ theo thủ tục hành chính,...
Thông tư 37/2017/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.