5. Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 02/2019/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy.
Theo đó, chính sách ưu tiên khu vực đối với quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự thi được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Nếu đóng quân dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.
- Nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn;
- Nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại các khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn.
Ngoài ra, Thông tư này còn bổ sung quy định về xác nhận nhập học đối với các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, cụ thể:
- Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi trong thời hạn quy định của trường.
Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác.
- Thí sinh chỉ xác nhận nhập học vào một trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
6. Các tiêu chí chỉ định điều trị y nội trú y học cổ truyền ban ngày
Theo Thông tư 01/2019/TT-BYT thì việc chỉ định điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền phải do bác sĩ quyết định và đáp ứng 04 tiêu chí sau:
- Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải điều trị nội trú nhưng không nhất thiết phải theo dõi, điều trị 24/24 giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Thời gian theo dõi, điều trị nội trú ban ngày cho người bệnh tối thiểu 4 giờ/ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Tình trạng bệnh lý của người bệnh có thể điều trị ngoại trú thì không áp dụng điều trị nội trú ban ngày;
- Đối với người bệnh không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có thể được điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ.
Người bệnh được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng hằng ngày hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị và được hưởng chế độ điều trị nội trú, theo dõi và chăm sóc trong thời gian làm việc ban ngày.
Các lần thăm khám hàng ngày trong thời gian điều trị không được tính tiền khám cho người bệnh.
7. Quy định mới về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND
Ngày 25/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.
Theo đó, có một số quy định mới so với Nghị định 91/2013/NĐ-CP như:
- Cá nhân có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) của cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hành vi VPPL về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự;
(Theo quy định cũ thì công dân mới có quyền này).
- Quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sĩ CAND có hành vi VPPL trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ xảy ra trong thời gian trước đây nay đã chuyển cơ quan, đơn vị hoặc không còn là cán bộ, chiến sĩ.
- Thẩm quyền giải quyết tố cáo cán bộ Công an biệt phái đến công tác tại cơ quan, tổ chức khác ngoài CAND.