1. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè phải đăng ký
Đây là nội dung mới tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật thủy sản.
Theo đó, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè phải thực hiện đăng ký với Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh.
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Đơn đăng ký theo Mẫu số 26.NT;
- Một trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản;
+ Giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện;
+ Quyết định giao khu vực biển;
+ Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;
- Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.
Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trước ngày Nghị định 26 có hiệu lực thi hành phải thực hiện đăng ký trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định 26 có hiệu lực.
Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2019.
2. Thay đổi thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong nước của UBND xã
Ngày 05/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật nuôi con nuôi.
So với quy định hiện hành thì Nghị định 24 đã mở rộng thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong nước, cụ thể:
- UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký trong các trường hợp sau:
+ Nuôi con nuôi trong nước;
+ Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi;
+ Cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi.
- Quy định hiện hành thì thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong nước được quy định cụ thể đối với từng trường hợp sau:
+ Nuôi con nuôi trong nước thuộc thẩm quyền đăng ký của UBND cấp xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi;
+ Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thuộc thẩm quyền đăng ký của UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi.
Nghị định 24/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2019.
3. Khoảng cách an toàn đối với Nhà máy chế biến khí trong khu dân dụng
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 25/2019/NĐ-CP có sửa đổi Nghị định 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền có hiệu lực từ ngày 22/4/2019.
Theo đó, khoảng cách an toàn đối với Nhà máy chế biến/xử lý khí trong khu dân dụng được quy định cụ thể như sau:
- Nhà ở, công trình phụ độc lập (bao gồm cả vườn cây, ao cá): 40m đối với cấp đặc biệt, 30m đối với cấp 1, 25 m đối với cấp 2;
- Nhà ở từ tầng 4 trở lên và/hoặc có hơn 10 hộ cư trú thường xuyên: 70m đối với cấp đặc biệt, 50m đối với cấp 1, 40m đối với cấp 2;
- Trường học, bệnh viện, nhà trẻ, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, siêu thị hoặc khu chợ tập trung: 150m đối với cấp đặc biệt, 100m đối với cấp 1, 75m đối với cấp 2.