Nội dung đề cập tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
Theo đó, tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm:
- Về chính trị tư tưởng;
- Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật;
- Về trình độ;
- Về năng lực và uy tín;
- Về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác;
Ngoài ra, một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm:
+ Trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bổ nhiệm.
+ Trường hợp người giữ chức vụ, chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm chức vụ, chức danh khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm.
+ Trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước thì phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định này nhưng không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định của chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm. Đối với các trường hợp này phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư 150/2012/TT-BTC hướng dẫn cập nhật kiến thức hàng năm cho kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
Theo đó, thay thế Phụ lục số 02/CNKT ban hành kèm theo Thông tư 150/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 bằng Phụ lục số 002/CNKT (Quyết định chấp thuận cho đơn vị được tổ chức cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên đăng ký hành nghề) ban hành kèm theo Thông tư 15/2024/TT-BTC .
Bên cạnh đó, còn thay thế cụm từ “Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán)” tại Phụ lục số 01/CNKT, 03/CNKT, 04/CNKT, 06/CNKT ban hành kèm theo Thông tư 150/2012/TT-BTC và Phụ lục số 07/CNKT ban hành kèm theo Thông tư 56/2015/TT-BTC bằng cụm từ “Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính”.
Thay thế cụm từ “Bộ Tài chính” tại khoản 2 khoản 3 khoản 4 Điều 2, khoản 1 Điều 6, điểm a điểm đ khoản 1 Điều 7, khoản 1 khoản 2 Điều 9, điểm a khoản 4 Điều 10, điểm c khoản 6 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 12 (đã được sửa đổi tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư 56/2015/TT-BTC ngày 23/4/2015), điểm a khoản 1 Điều 14, khoản 1 khoản 3 khoản 4 khoản 5 khoản 9 Điều 15, khoản 3 Điều 16, Khoản 2, Khoản 5 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Thông tư 150/2012/TT-BTC bằng cụm từ “Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính”.
Thông tư 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua Kho bạc Nhà nước theo các hình thức sau:
(1) Thanh toán trước, kiểm soát sau:
- Thanh toán trước, kiểm soát sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 01 ngày làm việc; đồng thời, gửi 01 chứng từ báo nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán, gửi 01 chứng từ báo có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước).
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định.
- Trường hợp sau khi kiểm soát phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, Kho bạc Nhà nước có văn bản thông báo kết quả kiểm soát chi (theo Mẫu số 01 kèm theo Thông tư này) gửi đơn vị sử dụng ngân sách; sau đó thực hiện xử lý thu hồi giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kề tiếp theo, trường hợp lần thanh toán liền kề tiếp theo không đủ khối lượng hoàn thành/dự toán để giảm trừ thì thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BTC .
(2) Kiểm soát trước, thanh toán sau: Kiểm soát trước, thanh toán sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với tất cả các khoản chi, trong đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.
Từ ngày 01/5/2024, Nghị định 30/2024/NĐ-CP quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, biểu mẫu liên quan đến chấp thuận được tổ chức cho du khách nước ngoài mang xe vào Việt Nam gồm có:
- Mẫu số 01: Công văn đề nghị chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.
- Mẫu số 02: Danh sách người và phương tiện cơ giới nước ngoài.
- Mẫu số 03: Văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.
- Mẫu số 04: Công văn gửi đến Bộ Công an báo cáo về lý do phương tiện xuất cảnh chậm (bất khả kháng) so với thời gian quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Công an.
- Mẫu số 05: Văn bản chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đối được xuất cảnh chậm phương tiện so với thời gian quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Công an.
- Mẫu số 06: Báo cáo Bộ Công an về quá trình tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch.
- Mẫu số 07: Văn bản trả lời không chấp thuận việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế xuất cảnh chậm phương tiện so với thời gian quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Công an.