Thanh Hữu
Sửa đổi 4 Nghị định về thuếNgày 01/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị định
91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng và quản lý thuế.
- Quản lý thuế: + Bổ sung quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại”.
+ Khai thuế giá trị gia tăng theo quý áp dụng đối với người nộp thuế đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống (Quy định cũ là từ 20 tỷ đồng trở xuống).
- Thuế thu nhập doanh nghiệp:+ Các khoản chi phúc lợi người lao động được nhận trực tiếp và doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ với tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế trong năm tính thuế sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
+ Miễn thuế trong thời hạn thực hiện hợp đồng nhưng tối đa 03 năm đối với thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; tối đa 05 năm đối với thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, tính từ ngày có doanh thu.
-
Thuế thu nhập cá nhân: Khoản lợi ích người lao động nhận được về nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại nơi có điều kiện khó khăn hoặc xây cho người làm việc tại khu công nghiệp không bị xem là thu nhập chịu thuế.
-
Thuế giá trị gia tăng: Trường hợp bên đi vay vốn tự bán tài sản đảm bảo theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có đảm bảo thuộc dịch vụ cấp tín dụng không chịu thuế.
Nghị định này có hiệu lực kể từ 15/11/2014.
Sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãiNgày 23/09/2014, Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thuộc nhóm 84.58 và 84.59 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo Thông tư
164/2013/TT-BTC. Theo đó, thuế suất ưu đãi nhập khẩu các mã hàng 8458.11.00, 8458.91.00, 8459.10.10, 8459.21.00, 8459.31.00 được điều chỉnh về mức 0%.
Nội dung trên được đề cập tại Thông tư
139/2014/TT-BTC và có hiệu lực kể từ ngày 07/11/2014.
Ngoài những chính sách mới về thuế nêu trên còn có các văn bản nổi bật khác, như sau:Thay đổi quy định về phí giao thông đường bộNgày 01/11/2014, Thông tư
133/2014/TT-BTC quy định phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện chính thức có hiệu lực và thay thế Thông tư
197/2012/TT-BTC. Theo đó, quy định thêm một số đối tượng không phải chịu phí như:
- Xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên;
- Xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ và xe ô tô dùng để sát hạch thuộc các tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe.
Đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc sẽ không thu phí mà cộng 100% phí áp dụng đối với phương tiện này vào mức phí của xe đầu kéo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có tổng số phí phải nộp hàng tháng từ 30 triệu đồng trở lên sẽ được kê khai nộp phí theo tháng.
Chi tiết mức thu đối với các loại phương tiện được quy định tại phụ lục 01 của Thông tư.
Tăng gấp đôi mức cho vay ưu đãi hộ nghèoNgày 01/10/2014, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư
28/2014/TT-NHNN về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo Theo chương trình hỗ trợ Huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.
Theo đó, quy định về việc vay vốn ưu đãi để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề của hộ nghèo tại Ngân hàng chính sách xã hội có những thay đổi như sau:
- Mức vay tối đa tăng từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng mỗi hộ.
- Lãi suất vay sẽ được tính bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ, áp dụng trong 3 năm, thay cho lãi suất 0% trong 2 năm theo quy định cũ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/10/2014.
Hướng dẫn đánh giá công tác phòng chống tham nhũngNgày 18/09/2014, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư
04/2014/TT-TTCP quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, với một số nội dung đáng chú ý:
- Việc nhận định dựa theo thang điểm 100, sau đó dựa vào số điểm để phân cấp mức độ phổ biến, nghiêm trọng của hành vi tham nhũng, mức độ thiệt hại do tham nhũng gây nên.
- Việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cũng được thực hiện dựa trên thang điểm 100, với các nội dung cần đánh giá: Chỉ đạo, điều hành; phát hiện xử lý tham nhũng; xây dựng, thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Các tiêu chí cụ thể để chấm điểm được quy định tại thông tư này.
Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, TP trực thuộc TW có trách nhiệm thực hiện việc nhận định, đánh giá này và báo cáo cho Thanh tra Chính phủ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, thay thế cho Thông tư
11/2011/TT-TTCP.