1. Giảm mức đóng BHTN của NSDLĐ xuống 0,5% đến 31/12/2019
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Nghị quyết 34/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017.
Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đồng ý điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với NSDLĐ từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN.
Thời gian thực hiện điều chỉnh kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2019.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề cập một số nội dung như sau:
- Thống nhất việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa đối với trẻ em dưới 6 tuổi kể từ ngày 01/4/2017.
- Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành có giải pháp phù hợp đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng phục vụ nhu cầu xã hội.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 34/NQ-CP ngày 07/4/2017.
2. Quy định mới về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiểm định xây dựng
Nghị định 42/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/6/2017) sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiểm định xây dựng như sau:
- Hạng I: Đã làm chủ trì kiểm định hoặc chủ trì thiết kế ít nhất 01 công trình cấp I hoặc 02 công trình cấp II cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
- Hạng II: Đã làm chủ trì kiểm định hoặc chủ trì thiết kế ít nhất 01 công trình cấp II hoặc 02 công trình cấp III cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
- Hạng III: Đã tham gia kiểm định hoặc tham gia thiết kế ít nhất 02 công trình cấp III hoặc 03 công trình cấp IV cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, Nghị định 42 bổ sung hoạt động chủ trì kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng, cấu kiện xây dựng trong phạm vi hoạt động của người được cấp chứng chỉ hành nghề kiểm định xây dựng.
3. Nghiên cứu sinh tiến sĩ có bằng thạc sĩ phải học ít nhất 90 tín chỉ
Đó là quy định mới được đề cập tại Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ.
Theo đó, nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp thạc sĩ phải học tối thiểu 90 tín chỉ, nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp đại học phải học tối thiểu 120 tín chỉ.
Nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu, kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.
Việc đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy.
Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 18/5/2017.
4. Thời điểm gửi bản sao tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác
Đây là nội dung được đề cập tại Giải đáp 01/2017/GĐ-TANDTC về nghiệp vụ ngành Tòa án.
Theo đó, trong tố tụng dân sự, đương sự phải gửi cho các đương sự khác bản sao tài liệu, chứng cứ theo hướng dẫn sau:
- Thời điểm gửi: trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
- Phương thức gửi: đương sự được lựa chọn phương thức sao gửi (trực tiếp, đường bưu điện...) và phải chứng minh với Tòa án đã sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.
- Trường hợp đương sự không thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì Tòa án yêu cầu đương sự phải thực hiện.
- Nếu đương sự không thể sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác vì lý do chính đáng, đương sự được quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.
Xem thêm tại Giải đáp 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017.