1. Trường hợp công đoàn viên vi phạm bị xem xét tăng nặng mức kỷ luật
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Quyết định 5130/QĐ-TLĐ ngày 12/8/2022 về quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn.
Trong đó, cán bộ, công đoàn viên vi phạm bị xem xét tăng nặng mức kỷ luật khi thuộc những trường hợp sau:
- Đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở mà không sửa chữa.
- Không tự giác kiểm điểm, nhận khuyết điểm, vi phạm của mình mà còn quanh co, che giấu.
- Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc người cung cấp chứng cứ vi phạm.
- Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm;
Tiêu hủy chứng cứ, lập hồ sơ, chứng cứ giả.
- Đối phó, cản trở, gây khó khăn, trở ngại cho quá trình kiểm tra, giám sát, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.
- Vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, thực hiện chính sách xã hội.
- Vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả.
- Vi phạm nhiều lần, có hệ thống, tái phạm; bị xử lý kỷ luật nhiều lần.
- Vi phạm có tổ chức; là người tổ chức, chủ mưu, khởi xướng hành vi vi phạm.
- Ép buộc, vận động, tổ chức cho người khác cùng vi phạm.
- Ép buộc, tạo điều kiện cho người khác tạo tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả, che giấu, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu.
Xem thêm tại Quyết định 5130/QĐ-TLĐ có hiệu lực từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định 493/QĐ-TLĐ ngày 09/03/2017.
2. Rà soát bãi bỏ quy định về yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu
Rà soát bãi bỏ quy định về yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 121/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 11/9/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022.
Cụ thể, thực hiện triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 02), đơn cử như:
UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân;
Bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong CSDLQG về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10/2022.
Trước ngày 30/9/2022, trên cơ sở kết quả rà soát của các bộ, ngành, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp thống nhất lộ trình, giải pháp sửa đổi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi văn bản theo hướng xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 01/01/2023; hoàn thành trong tháng 12/2022;..
Xem chi tiết tại Nghị quyết 121/NQ-CP ngày 11/9/2022.
3. 05 địa điểm được thí điểm nộp tạm ứng án phí, lệ phí trên Cổng DVCQG
Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định 273/QĐ-TANDTC ngày 15/9/2022 triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Trong đó, danh sách Tòa án triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia gồm:
- Tòa án nhân dân quận Long Biên, Hà Nội;
- Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội;
- Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội;
- Tòa án nhân dân quận Gia Lâm, Hà Nội;
- Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thời gian thực hiện thí điểm: Từ ngày 01/10/2022 đến hết tháng 31/10/2022.
Ngoài ra, Chánh án các Tòa án nhân dân được chọn triển khai thí điểm có trách nhiệm như sau:
- Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp về các lợi ích, tiện ích khi sử dụng dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển khai dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại đơn vị.
- Chỉ đạo các cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc việc triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Xem thêm tại Quyết định 273/QĐ-TANDTC có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
4. Quy định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
Chính Phủ ban hành Nghị định 63/20222/NĐ-CP quy định về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Theo đó, sáp nhập trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện hành chính quốc gia như sau:
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
(Tại Quyết định 620/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, quy định Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ)
Ngoài ra, thay đổi về cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, trong đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ gồm các cơ quan sau:
- Vụ Tổ chức - Biên chế.
- Vụ Chính quyền địa phương.
- Vụ Công chức - Viên chức.
- Vụ Tiền lương.
- Vụ Tổ chức phi chính phủ.
- Vụ Cải cách hành chính.
- Vụ Hợp tác quốc tế.
- Vụ Pháp chế.
- Vụ Kế hoạch - Tài chính.
- Vụ Công tác thanh niên.
- Vụ Tổ chức cán bộ.
- Thanh tra Bộ.
- Văn phòng Bộ.
- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
- Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
- Ban Tôn giáo Chính phủ.
- Học viện Hành chính Quốc gia.
- Viện Khoa học tổ chức nhà nước.
- Tạp chí Tổ chức nhà nước.
- Trung tâm Thông tin.
(So với trước đây, đã giảm đi 02 vụ gồm: Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Vụ Tổng hợp)
Nghị định 63/20222/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2022 thay thế Nghị định 34/2017/NĐ-CP.