Theo đó, để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh sốt rét trên địa bàn cả nước, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một số hoạt động sau:
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống và loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh, thành phố; rà soát và bổ sung kế hoạch phòng chống sốt rét năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, đánh giá kết quả và tiến độ loại trừ bệnh; duy trì thành quả loại trừ sốt rét tại các địa phương đã đạt tiêu chí. Giao trách nhiệm cho UBND các cấp chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống tại các điểm nóng; Đề nghị các địa phương ký cam kết thực hiện mục tiêu loại trừ sốt rét để đạt mục tiêu loại trừ sốt rét cả nước vào năm 2030.
- Rà soát củng cố các điểm kính hiển vi, tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng về giám sát, xét nghiệm của các cơ sở y tế. Tăng cường công tác giám sát phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh sốt rét bằng soi kính hiển vi hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh, hạn chế bỏ sót người bệnh. Tổ chức khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điếm nguồn bệnh và hạn chế lan truyền ra cộng đồng. Thực hiện xử lý các ổ bệnh sốt rét triệt để và phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét theo đúng quy trình.
- Tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét ban hành kèm theo Quyết định 3377/QĐ-BYT, bảo đảm sử dụng đúng thuốc, đủ liều cho người bệnh theo từng loài ký sinh trùng, nhất là P.vivax hay P.falciparum để hạn chế thấp nhất sốt rét ác tính, tử vong do sốt rét và kháng thuốc sốt rét.
- Rà soát độ bao phủ thực tế của việc phân bổ màn, võng được tẩm hoá chất và tỷ lệ ngủ màn thực tế của từng hộ gia đình nhóm nguy cơ mắc bệnh sốt rét để có biện pháp, kế hoạch cung cấp bổ sung và triển khai tẩm màn, võng, màn võng trong phòng, chống bệnh sốt rét.
- Đề xuất các giải pháp quản lý nhóm đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét như người làm ăn kinh tế, lao động theo thời vụ, người đi rừng, công nhân lâm nghiệp, người qua lại vùng dịch,... đi từ các tỉnh có dịch hoặc các nước có sốt rét lưu hành. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp quản lý, khai báo thông tin lao động, người đi rừng... với cơ quan y tế để có biện pháp phòng chống sốt rét hiệu quả.
- Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống sốt rét cho các đối tượng nguy cơ và người dân vùng có dịch. Thực hiện ngủ màn, võng được tẩm hóa chất cả khi ở nhà và ngủ rừng. Khuyến cáo đến cơ sở y tế khám, điều trị sốt rét kịp thời nếu mắc bệnh. Cấp màn, võng, kem xua muỗi và phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình có nguy cơ cao.
- Củng cố hệ thống y tế cơ sở, tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng chống sốt rét. Bố trí nhân lực, kinh phí hoạt động chuyên môn và mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng chống. Chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo đủ hóa chất, sinh phẩm, thuốc, trang thiết bị phòng chống sốt rét.
- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch sốt rét, đánh giá kết quả các biện pháp phòng chống để chỉ đạo kịp thời. Đồng thời đẩy mạnh phòng chống các dịch bệnh khác, tránh nguy cơ dịch chồng dịch. Chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT và Quyết định 4922/QĐ-BYT năm 2021.
Xem chi tiết tại Công văn 6475/BYT-DP ngày 09/10/2023.