Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan một số nội dung đơn cử như sau:
- Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền... nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
- Rà soát kỹ lại, nghiên cứu thủ tục cho vay thông thoáng và giảm lãi suất cho vay, triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; phát huy vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại nhà nước và sự tham gia tích cực, sáng tạo của các ngân hàng thương mại cổ phần.
- Cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
- Thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ hiệu quả khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hướng dẫn, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Xem chi tiết tại Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023.