Ms. Minh Nguyệt
Thuế: Hàng hoá vận chuyển trên đường không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp sẽ bị phạt tiền bằng 1 đến 3 lần số thuế trốn, số thuế gian lận, tùy theo số lần tái phạm và số tình tiết giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, người nộp thuế đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh cũng bị phạt tiền 1 lần trên số thuế trốn, gian lận, nếu có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư
166/2013/TT-BTC .
Thương mại: Phạt tiền đến 50 triệu đồng với hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử; không bảo mật thông tin cho khách hàng sẽ bị phạt đến 30 triệu.
Ngoài ra, chuyển nhượng website không đăng ký lại sẽ bị phạt từ 20-30 triệu; mức 5-20 triệu nếu thiết lập website TMĐT không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung này được quy định tại Nghị định
185/2013/NĐ-CP .
Đồng thời, website vi phạm bị đình chỉ hoạt động 6-12 tháng, bị tịch thu tang vật và phương tiện, thu hồi tên miền “.vn”, chủ website phải khắc phục hậu quả và nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm.
Giao thông vận tải: Chính phủ ban hành Nghị định
171/2013/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt mới.
Nhìn chung mức phạt đối với người điều khiển xe máy, ô tô vi phạm không thay đổi so với quy định cũ tại NĐ
71/2012/NĐ-CP .
Tuy nhiên, một số hành vi vi phạm của người đi xe máy sẽ được giảm nhẹ mức phạt như: nhường đường không đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông…
Ngoài ra, NĐ quy định một số hành vi vi phạm mới bị xử phạt như: Người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, để người ngồi sau vòng tay ra trước lái xe… bị phạt từ 100 - 200 ngàn đồng.
Đối với việc không làm thủ tục sang tên xe theo đúng quy định thì mức phạt mới cũng giảm mạnh, chỉ từ 100-200 ngàn đồng đối với xe máy (mức cũ là từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng)
Việc giảm nhẹ mức phạt với đa số các hành vi sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2014, trừ một số hành vi: đỗ xe không đặt biển báo nguy hiểm theo quy định; không làm thủ tục sang tên xe theo đúng quy định… sẽ lùi thời hạn áp dụng từ 1-3 năm
Vệ sinh an toàn thực phẩm:Các mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định trong Nghị định
158/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Phạt tiền 5–10 triệu đồng đối với hành vi không đọc rõ nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo trên báo nói, báo hình.
- Quảng cáo thiếu tên, phụ gia, tác dụng chính và phụ của thực phẩm; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường bị phạt tiền từ 10-15 triệu.
- Phạt đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Ngoài ra, quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ mà thiếu tên sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường cũng sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu.
Kế hoạch Đầu tư: Nghị định
155/2013/NĐ-CP bổ sung thêm quy định phạt với một số hành vi:
- Không giám sát, đánh giá quá trình thực hiện dự án ODA hoặc thực hiên dự án chậm so với tiến độ quy định mà không có lý do chính đáng bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
- Phạt từ 20 đến 30 triệu với hành vi triển khai dự án ODA không đúng nội dung trong quyết định đầu tư.
- Phạt đến 70 triệu nếu sử dụng vốn nhà nước đầu tư kinh doanh sai mục đích; không triển khai dự án đầu tư sau 12 tháng mà không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, Nghị định cũng điều chỉnh tăng gấp nhiều lần mức phạt trong các nội dung về đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX.
Hoạt động dầu khí: Hành vi gây cản trở bất hợp pháp họat động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các loại tài nguyên trên vùng biển của Việt Nam sẽ bị phạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Nội dung trên được quy định tại Nghị định
162/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC trên vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước ta.
Bên cạnh đó, mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi sau:
- Đặt dây cáp và ống dẫn ngầm khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc khai thác trái phép dòng chảy, năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật.
-Thu thập thông tin trái phép liên quan đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam hay luyện tập hay diễn tập trái phép dưới bất kỳ hình thức nào trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Hoạt động báo chí, xuất bản:Quy định xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản được quy định trong Nghị định
159/2013/NĐ-CP .
Theo đó, mức tiền phạt tối đa đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu.
Hành vi không ghi rõ tên thật hoặc bút danh tác giả của tin, bài khi đăng phát trên báo chí; Không viện dẫn hoặc viện dẫn sai nguồn khi đưa tin sẽ bị phạt từ 200-500 nghìn đồng.
Ngoài ra, các hành vi: minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai; đăng, phát ảnh cá nhân chưa cho phép sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Quản lý thị trường:Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư
26/2013/TT-BCT quy định về mẫu biên bản, quyết định (gọi tắt là ấn chỉ) sử dụng trong hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường.
Theo đó, mẫu ấn chỉ mới sẽ được in theo sẵn trên giấy trắng phủ vân hoa văn mờ màu vàng nhạt và bóng chìm phù hiệu Quản lý thị trường (trước đây chỉ in trên giấy trắng, chữ màu đen).
Hành vi sữa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong các biên bản, quyết định đã lập làm sai lệch hồ sơ nhằm mục đích vụ lợi cũng được bổ sung thêm vào danh sách các hành vi bị cấm.
Khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ:Phạt tối đa đến 50 triệu đồng nếu cá nhân làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp tổ chức vi phạm, sẽ bị phạt gấp đôi.
Mức phạt trên cũng áp dụng đối với hành vi sản xuất và cung ứng thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ thể hiện không đúng đường biên giới quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.
Ngoài ra, phạt tiền từ 13-15 triệu nếu không cung cấp thông tin vận hành hồ chứa cho cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn.
Nội dung trên được quy định tại Nghị định
173/2013/NĐ-CP .
Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia:Chính phủ ban hành Nghị định
169/2013/NĐ-CP đưa ra mức phạt VPHC về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cụ thể như sau:
Phat tiền từ 20-30 triệu đồng nếu tiến hành hoạt động thăm dò địa chất, khai thác tài nguyên, khoáng sản làm thay đổi dấu hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, công trình biên giới.
Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng nếu làm hư hại, xê dịch có hại tới mốc quốc giới; xây kè, đào kênh, đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới.
Nghị định cũng nêu rõ, việc cư trú, đi lại không đúng quy định trong khu vực cửa khẩu; không đăng ký, trình báo khi thực hiện các hoạt động tại khu vực cửa khẩu bị phạt tiền từ 500 ngàn -1 triệu đồng.
Phạt tiền từ 1-2 triêu đồng nếu ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu biên giới đất liền không có giấy tờ tùy thân.