Theo đó, quyết định bãi bỏ toàn bộ Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện các việc sau:
- Hướng dẫn các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra tiến hành việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật Thanh tra 2022, Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023; Nghị định 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
- Hướng dẫn các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm theo đúng quy định pháp luật; kịp thời xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Quyết định 1182/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 14/10/2024.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
(Trước đó, vào năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, một trong những nội dung chỉ đạo nổi bật là khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên)