(i) Lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân bao gồm:
- Lực lượng nòng cốt;
- Lực lượng rộng rãi.
(ii) Lực lượng nòng cốt là lực lượng được tổ chức tại các đơn vị bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ và dự bị động viên.
(iii) Lực lượng rộng rãi bao gồm:
- Lực lượng được huy động gồm Dân quân tự vệ, quân nhân dự bị chưa được sắp xếp vào các đơn vị và lực lượng từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân để tham gia bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập, phục vụ chiến đấu, chiến đấu, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không và bảo đảm an toàn phòng không;
- Lực lượng tự nguyện do quần chúng nhân dân tham gia để phục vụ chiến đấu, chiến đấu, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không và bảo đảm an toàn phòng không.
Bên cạnh đó, Cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân bao gồm:
- Chính phủ chỉ đạo phòng không nhân dân trên phạm vi cả nước;
- Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chỉ đạo về phòng không nhân dân;
- Bộ Tư lệnh quân khu chỉ đạo về phòng không nhân dân trên địa bàn quân khu;
- Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phòng không nhân dân tại địa phương.
Ban chỉ đạo phòng không nhân dân được tổ chức ở trung ương, quân khu và địa phương. Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp có nhiệm vụ tham mưu, giúp Cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tương ứng.
Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng không nhân dân trung ương; Bộ Tham mưu quân khu là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng không nhân dân quân khu; cơ quan quân sự địa phương các cấp là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cùng cấp.
Chính phủ quy định chi tiết vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp.
Xem chi tiết tại Luật Phòng không nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.