Quy định mới nhất về thời điểm trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng

13/07/2024 15:45 PM

Nội dung mới nhất về thời điểm trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng được quy định tại Nghị định 86/2024/NĐ-CP.

Quy định mới nhất về thời điểm trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng

Quy định mới nhất về thời điểm trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng (Hình từ internet)

Ngày 11/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2024/NĐ-CP quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái.

Quy định mới nhất về thời điểm trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng

Theo Điều 9 Nghị định 86/2024/NĐ-CP quy định về thời điểm trích lập dự phòng rủi ro, cụ thể:

- Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng rủi ro như sau:

+ Trong 07 ngày đầu tiên của tháng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề căn cứ nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn giữa:

Nhóm nợ theo kết quả tự phân loại nợ cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; và

Nhóm nợ đã được điều chỉnh theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cung cấp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất.

+ Đối với tháng đầu tiên của quý, trong 03 ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ kết quả phân loại nợ đã được điều chỉnh theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do CIC cung cấp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để điều chỉnh số tiền trích lập dự phòng rủi ro cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề và thể hiện số tiền trích lập dự phòng rủi ro này trên báo cáo tài chính cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.

- Tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô thực hiện trích lập dự phòng rủi ro như sau:

Trong 07 ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô căn cứ kết quả phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.

Mức trích lập dự phòng chung

- Đối với tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 4, trừ các khoản sau đây:

+ Tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật và tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở nước ngoài;

+ Khoản cho vay, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;

+ Khoản mua chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước;

+ Khoản mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán;

+ Các khoản nợ khác phát sinh từ hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 86/2024/NĐ-CP giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

- Đối với tổ chức tài chính vi mô, số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,5% tổng số dư các khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 4 (không bao gồm tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật).

(Điều 7 Nghị định 86/2024/NĐ-CP)

Lê Nguyễn Anh Hào

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,727

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079