15 nội dung trong Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội

21/09/2024 10:15 AM

Bài viết sau có nội dung về các nội dung trong Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội được quy định trong Kế hoạch 275/KH-UBND năm 2024.

15 nội dung trong Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội

15 nội dung trong Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội (Hình từ Internet)

Ngày 19/9/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 275/KH-UBND Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

15 nội dung trong Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội

Theo nội dung trong Kế hoạch 275/KH-UBND năm 2024 thì các nội dung trong Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội bao gồm:

 Kế hoạch 275/KH-UBND

(1) Kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học các cấp; Các trường học kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, xây dựng và triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện theo quy định.

(2) Bố trí phòng y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu dùng trong phòng y tế học đường của các trường theo quy định.

(3) Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ y tế trường học hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác y tế trường học. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học. Quan tâm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho nhân viên y tế hoặc nhân viên kiêm nhiệm phụ trách công tác y tế học đường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ y tế trường học.

(4) Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các trường học theo chuẩn: Phòng học, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học; các công trình vệ sinh trong trường học theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt chú ý đảm bảo các điều kiện tạo môi trường an toàn trong trường học.

(5) Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, hóa chất làm vệ sinh, dung dịch khử khuẩn, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên; nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện và sử dụng tốt; đảm bảo điều kiện vệ sinh học đường (phòng học, bàn ghế, bảng, chiếu sáng, đồ chơi, đồ dùng học tập, luyện tập thể dục, thể thao...) và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh, phòng chống tai nạn thương tích theo quy định.

(6) Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua các hoạt động giảng dạy chính khoá, ngoại khoá; tập trung tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, phát triển thể chất, tầm vóc học sinh, phòng chống thừa cân béo phì, phòng chống các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích thường gặp như ngã, đuối nước, cháy nổ, điện giật, giao thông, hóc dị vật đường thở..., kỹ năng kiểm soát cảm xúc và phòng chống các rối loạn sức khỏe tâm thần.

Tuyên truyền về phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm..., phòng chống tác hại của rượu bia, thuốc lá/thuốc lá điện tử, phòng chống mối nguy từ các loại ma túy đang trà trộn dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử…

Tuyên truyền rộng rãi các biện pháp rèn luyện thể lực, xây dựng lối sống lành mạnh, phòng chống nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho học sinh. Sắp xếp lịch học tập vui chơi giải trí, luyện tập thể thao hợp lý, hợp vệ sinh, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính.

(7) Triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe trong trường học: Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần cho giáo viên, nhân viên nhà trường; khám sức khỏe theo chuyên khoa, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, mắt học đường, nha học đường cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thông báo kết quả khám sức khỏe; thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, các trường hợp mắc bệnh được thông báo trực tiếp cho người mắc.

(8) Thường xuyên theo dõi sức khoẻ học sinh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, tình trạng thừa cân, béo phì, bệnh tật học đường như tật cận thị, giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần, tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe.

(9) Các trường học và các cơ sở giáo dục chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh, ổ dịch trong trường học, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi. Thường xuyên phối hợp với y tế địa phương trao đổi thông tình hình dịch bệnh để chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch, không để xảy ra ổ dịch lớn.

(10) Tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh đối với một số dịch bệnh có vắc xin phòng có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn Thành phố như Sởi, Ho gà, … theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành Y tế (đặc biệt là trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học) để tuyên truyền phụ huynh học sinh cho trẻ đi tiêm chủng bổ sung đầy đủ; Phối hợp với ngành Y tế trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin phòng bệnh có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn Thành phố như vắc xin phòng Sởi-Rubella (MR), vắc xin phòng Bạch hầu-Uốn ván (Td), … khi có chỉ đạo của Bộ Y tế hoặc UBND Thành phố.

(11) Tổng vệ sinh môi trường đầu năm học và duy trì thực hiện vệ sinh khử khuẩn thường xuyên để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt lưu ý các dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh dễ mắc ở học sinh, nơi tập trung đông người và đảm bảo công tác phòng chống dịch trong các kỳ thi.

(12) Tổ chức và tiếp tục củng cố, duy trì, nhân rộng các mô hình điểm chăm sóc sức khỏe học sinh. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, căn cứ mô hình bệnh tật, sức khỏe học sinh... các quận huyện, trường học tổ chức các mô hình điểm phù hợp.

Một số mô hình cần chú trọng như: Mô hình điểm về hoạt động truyền thông, tư vấn; mô hình về phòng chống các bệnh mắt học đường, nha học đường, gù vẹo cột sống, tật cận thị, giảm thị lực, các bệnh về mắt, hen phế quản; mô hình điểm về vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; dinh dưỡng học đường, can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng; triển khai mô hình điểm phòng chống thừa cân béo phì tại trường học, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình để tiến tới khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh trên địa bàn thành phố; mô hình can thiệp giảm thiểu yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia... tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

Lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường với các hoạt động khác như tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh, phòng chống các tác hại do thuốc lá, rượu bia, chăm sóc sức khỏe răng miệng trẻ em,...

(13) Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học: bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường có tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học.

Phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; nâng cao chất lượng bữa ăn học đường trong trường học đặc biệt là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng; đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại các trường tiểu học có tổ chức bán trú theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Phấn đấu 70% các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm. góp phần nâng cao tầm vóc, trí tuệ, thể lực của học sinh.

(14) Tuyên truyền, vận động học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo được chăm sóc sức khỏe ban đầu theo đúng quy định của pháp luật.

(15) Thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, kiểm tra, đánh giá về công tác y tế học đường, phòng chống chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên trong các trường học. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác y tế trường học theo Thông tư số liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGĐ&ĐT, Thông tư 33/2021/TTBYT. Đưa công tác y tế trường học vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục.

Xem thêm Kế hoạch 275/KH-UBND ban hành ngày 19/9/2024. 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,968

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079