Ngày 27/06/2025, Quốc hội ban hành Luật Đường sắt 2025, trong đó quy định cụ thể về Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo Khoản 12 Điều 3 Luật đường sắt 2025, Kết cấu hạ tầng đường sắt là công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Căn cứ Điều 40 Luật Đường sắt 2025 quy định về Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt như sau:
- Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt gồm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương và đường sắt chuyên dùng.
- Trách nhiệm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư:
+ Bộ Xây dựng thực hiện chức năng của đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng của đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt địa phương theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
- Trách nhiệm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp đầu tư: Doanh nghiệp tự quản lý, sử dụng, khai thác, bảo trì và bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức được giao quản lý, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư có trách nhiệm quản lý, sử dụng, khai thác, bảo trì và bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 46 Luật Đường sắt 2025 quy định về Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt như sau:
- Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
- Giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt là khoản tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt để chạy tàu trong ga, trên tuyến hoặc khu đoạn đường sắt.
- Phụ thu ngoài giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt là khoản tiền phải trả thêm cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt.
- Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trả phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cho Nhà nước khi sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư để kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
- Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản trả một khoản tiền là giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cho Nhà nước khi sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật về giá.
- Thẩm quyền định giá được quy định như sau:
+ Bộ Xây dựng định giá tối đa dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật về giá;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt địa phương do mình đầu tư hoặc được giao quản lý theo quy định của pháp luật về giá;
+ Tổ chức, cá nhân quyết định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư.
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt.
- Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.
Xem chi tiết tại Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
Nguyễn Ngọc Tố Uyên