04 chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 11 2024

29/10/2024 15:50 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung 04 chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 11 2024

04 chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 11 2024

04 chính sách giáo dục mới có hiệu lực từ tháng 11 2024 (Hình từ internet)

Cách xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông

Ngày 18/9/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập. Trong đó, việc xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập được thực hiện như sau:

- Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang,cụ thể như sau: 

+ Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; 

+ Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

+ Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. 

- Việc chuyển xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức tư vấn học sinh đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2007/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 04/11/2024

Thủ tục công nhận bằng cử nhân do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam

Ngày 04/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2761/QĐ-BGDĐT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, lĩnh vực Hệ thống văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, thủ tục công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam được thực hiện như sau:

- Người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng theo Phiếu đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp quy định tại Phụ lục I Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam và tải hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng) và thực hiện thanh toán lệ phí theo quy định.

+ Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp từ cơ sở giáo dục cấp bằng hoặc cơ quan có thẩm quyền xác thực thì cung cấp thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng đồng thời tải lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến: bản quét (scan) các thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, điểm b mục 3.1 (không cần chứng thực bản sao điện tử từ bản chính); chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các thành phần hồ sơ quy định tại điểm c, điểm d mục 3.1;

+ Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng không có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp thì thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c và d mục 3.1, kèm theo văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu) và tải lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến;

+ Trường hợp không tải hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến, người đề nghị công nhận văn bằng nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng các hồ sơ quy định tại mục 3.1.

- Trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng có trách nhiệm trả kết quả công nhận văn bằng cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không vượt quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng.

- Kết quả công nhận văn bằng được ghi trên giấy công nhận. Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện công nhận hoặc quá thời hạn quy định mà không đủ căn cứ xác minh thông tin về văn bằng, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng phải trả lời bằng văn bản hoặc thư điện tử cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp không xác định được mức độ tương đương của văn bằng với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng cung cấp thông tin và công nhận giá trị của văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính.

Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 2761/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 02/11/2024.

Siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài

Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Hiện hành tại Điều 6 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng liên kết giáo dục như sau:

Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 1 Nghị định 124/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định trên như sau:

- Đối tượng liên kết giáo dục

- Bên Việt Nam: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

- Bên nước ngoài:

+ Cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 05 năm ở nước ngoài tính đến ngày nộp hồ sơ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động, có giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục;

+ Tổ chức cung cấp chương trình giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất là 05 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin thực hiện liên kết giáo dục.

Xem chi tiết nội dung tại Nghị định 124/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Điều kiện thành lập nhóm trẻ độc lập từ ngày 20/11/2024

Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Theo đó, điều kiện thành lập nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập công lập hoặc cho phép thành lập nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập dân lập, tư thục (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non độc lập)

- Có địa điểm, cơ sở vật chất tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Có kế hoạch giáo dục, tài liệu, học liệu đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động bảo đảm về số lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non.

- Quy mô của nhóm, lớp trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,117

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079