Nguyên tắc xác định mức giá cho dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án đường bộ dùng để kinh doanh từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 13/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 32/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, do trung ương quản lý.
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 32/2024/TT-BGTVT thì nguyên tắc xác định mức giá cụ thể, mức giảm và đối tượng giảm giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, do trung ương quản lý như sau:
- Mức giá cụ thể cho một lần phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ (sau đây gọi tắt là mức giá lượt) không cao hơn mức giá tối đa đối với từng loại phương tiện theo Quyết định ban hành mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
- Mức giá tháng là mức thu đối với một phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí trong thời hạn 30 ngày. Mức giá tháng được tính bằng 30 (ba mươi) lần mức giá quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 32/2024/TT-BGTVT.
- Mức giá quý là mức thu đối với một phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí trong thời hạn 90 ngày. Mức giá quý được tính bằng 3 (ba) lần mức giá tháng và chiết khấu 10%.
- Mức giá lượt, mức giá tháng, mức giá quý cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án áp dụng cho từng loại phương tiện được cơ quan có thẩm quyền và Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án.
- Căn cứ tình hình kinh tế xã hội theo từng thời kỳ của địa phương nơi đặt trạm thu phí sử dụng đường bộ, các bên ký hợp đồng dự án thống nhất mức giảm và đối tượng giảm giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ đường bộ và phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc định giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án đường bộ dùng để kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2024/TT-BGTVT
- Giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được định giá theo nguyên tắc và căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Giá 2023.
- Cục Đường bộ Việt Nam quyết định áp dụng phương pháp định giá theo quy định pháp luật về giá.
- Khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ thay đổi ảnh hưởng đến giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức lựa chọn các Doanh nghiệp dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (Doanh nghiệp dự án) lập phương án giá.
- Các doanh nghiệp dự án được lựa chọn lập phương án giá có trách nhiệm lập phương án giá theo quy định pháp luật về giá, báo cáo, giải trình về phương án giá, cung cấp các tài liệu, hồ sơ phương án giá theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam và chịu trách nhiệm về phương án giá do mình lập.
- Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thẩm định phương án giá, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản quy định mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ.
- Việc lập, thẩm định hồ sơ phương án giá, ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh giá thực hiện theo quy định pháp luật về giá.
>>> Xem thêm: Từ ngày 01/02/2024, phương tiện giao thông nào được miễn phí sử dụng đường bộ?
Xem thêm Thông tư 32/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Bãi bỏ Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý và Thông tư 28/2021/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý kể từ ngày Thông tư 32/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành.
Bãi bỏ Điều 1 Thông tư 07/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều các Thông tư về trạm thu phí, giá dịch vụ sử dụng đường bộ.