08 Luật mới có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2025 (Hình từ internet)
Ngày 01/01/2025 là thời điểm áp dụng nhiều quy định mới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới đây là 08 Luật mới đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2025 như sau:
Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, có nhiều quy định nổi bật như: giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm, mỗi lần vi phạm giao thông tùy theo trường hợp sẽ bị trừ điểm; Bằng lái A1 chỉ được chạy xe đến 125 phân phối; Thay đổi thời gian bật đèn xe;...
Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ 2024. Quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Một số nội dung quy định mới của Luật Đường bộ 2024 như: Bổ sung mới loại “đường thôn” thuộc đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ, do địa phương quản lý; Quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho các loại xe điện; Thanh toán điện tử giao thông đường bộ;...
Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024, trong đó có quy định các tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá.
Một trong những quy định mới tại Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 là đấu giá trực tuyến từ ngày 01/01/2025; Quy định mới về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá; Sửa đổi quy định trường hợp đấu giá tài sản không thành;...
Ngày 29/6/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024).
Những điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024: Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ; Lực lượng chức năng được phép nổ súng vào flycam mà không cần cảnh báo trước; Bổ sung thêm các loại vũ khí quân dụng;...
Ngày 24/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, gồm 09 chương, 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Các điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 là: Đổi mới tổ chức của Tòa án nhân dân; Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa triệu tập; Chế độ, chính sách với Thẩm phán từ ngày 01/01/2025;...
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô 2024, thay thế cho Luật Thủ đô 2012.
Luật Thủ đô 2024 quy định thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
Ngoài ra, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại Thành phố Hà Nội; Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD); Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm để giảm ùn tắc giao thông;...
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh vệ sửa đổi 2024.
Trong đó, Luật Cảnh vệ sửa đổi 2024 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định mới như: Bổ sung thêm chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào diện đối tượng cảnh vệ; Bổ sung biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bổ sung quy định Giấy bảo vệ đặc biệt;...
Ngày 24/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Theo đó, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do Quân đội nhân dân, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.
Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.