09 nhóm doanh nghiệp mà Tổng cục Thuế tập trung thanh tra, kiểm tra thuế năm 2025

15/11/2024 16:00 PM

Dưới đây là 09 nhóm doanh nghiệp mà Tổng cục Thuế tập trung thanh tra, kiểm tra thuế năm 2025.

09 nhóm doanh nghiệp mà Tổng cục Thuế tập trung thanh tra, kiểm tra thuế năm 2025 (Hình từ internet)

Ngày 23/10/2024, Thanh tra Chính phủ ban hành Công văn 2220/TTCP-KHTH về định hướng Chương trình thanh tra năm 2025, trong đó có nội dung định hướng chương trình thanh tra năm 2025 của Tổng cục Thuế.

09 nhóm doanh nghiệp mà Tổng cục Thuế tập trung thanh tra, kiểm tra thuế năm 2025

Cụ thể, tại Mục 7 Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 2220/TTCP-KHTH, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính được định hướng tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro như

(1) Dầu khí; xăng dầu; điện lực; viễn thông; ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; cho thuê tài chính; dược phẩm; bất động sản; xây dựng; kinh doanh chế tác vàng, bạc, đá quý; hoạt động vui chơi giải trí; truyền thông quảng cáo; thương mại điện tử...; 

(2) Các doanh nghiệp quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; 

(3) Các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án; 

(4) Các doanh nghiệp phát hành chứng khoán trả cổ tức bằng cổ phiếu, trả cổ phiếu thưởng; 

(5) Các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm hoặc thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực; 

(6) Các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn; 

(7) Các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận, có rủi ro về hoàn thuế hoặc được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế; 

(8) Các doanh nghiệp có phát sinh hồ sơ miễn giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; 

(9) Các doanh nghiệp có thông tin giao dịch đáng ngờ do Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, cơ quan Hải quan cung cấp.

Theo đó, nội dung mà Tổng cục Thuế tập trung thanh tra, kiểm tra thuế bao gồm:

- Kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan cấp trên; 

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan thuế; 

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoàn thuế GTGT; 

- Kiểm tra công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; Kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính; 

- Kiểm tra việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013; Luật Phòng chống tham nhũng 2018; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; 

- Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác tổ chức cán bộ. 

Xem thêm nội dung tại Công văn 2220/TTCP-KHTH được ban hành ngày 23/10/2024.

Các trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế

Các trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế quy định tại Điều 110 Luật Quản lý thuế 2019, bao gồm:

(1) Trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước;

(2) Trường hợp hồ sơ thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không thu thì cơ quan quản lý thuế thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu. 

Trường hợp người nộp thuế đã giải trình và bổ sung thông tin, tài liệu chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì hồ sơ thuế được chấp nhận; nếu không đủ căn cứ chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì cơ quan quản lý thuế yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung.

Trường hợp hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế không đúng thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ra quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc làm căn cứ để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

(3) Trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;

(4) Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

(5) Trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề;

(6) Trường hợp theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền;

(7) Trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động mà cơ quan thuế không phải thực hiện quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:  Đối với các trường hợp (5), (6), (7), cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế không quá 01 lần trong 01 năm.

Quyết định kiểm tra thuế phải được gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc và thực hiện công bố trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký. Trước khi công bố quyết định kiểm tra mà người nộp thuế chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng và nộp đủ số tiền thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 108

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079