Nghị quyết 240: Bổ sung quy định về phát triển điện hạt nhân khi xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

19/12/2024 15:15 PM

Tại Nghị quyết 240/NQ-CP năm 2024, Chính phủ yêu cầu đánh giá, bổ sung quy định về phát triển điện hạt nhân phù hợp điều kiện, yêu cầu trong nước và quốc tế.

Nghị quyết 240: Bổ sung quy định về phát triển điện hạt nhân khi xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Nghị quyết 240: Bổ sung quy định về phát triển điện hạt nhân khi xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)(Hình từ internet)

Ngày 17/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 240/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024

Bổ sung quy định về phát triển điện hạt nhân khi xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Cụ thể tại Nghị quyết 240/NQ-CP, đối với nội dung về Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi): Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiêm túc, tích cực triển khai, nghiên cứu, lập Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi);

Thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu, bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối chỉ đạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để tiếp tục hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Về các chính sách của đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi): Chính phủ cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung, hoàn thiện các chính sách, trong đó lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:

- Tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và trách nhiệm của cá nhân, tập thể để tháo gỡ về thủ tục hành chính; nâng cao năng lực thực thi, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng với việc không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giao quyền chủ động và chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện các dự án năng lượng;

- Đối với chính sách 1 về xã hội hóa hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử:

Tập trung nghiên cứu bổ sung đầy đủ nội dung của chính sách này bảo đảm sự phát triển đa dạng, ứng dụng đa ngành, có đánh giá, bổ sung quy định về phát triển điện hạt nhân phù hợp điều kiện, yêu cầu trong nước và quốc tế. Nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách xã hội hóa cụ thể đối với hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử. Quy định nhằm huy động được nguồn lực trong và ngoài nước, đa dạng hóa các nguồn lực từ xã hội, nhân dân, các nhà đầu tư để phát triển hạ tầng cho năng lượng hạt nhân;

- Đối với chính sách thứ 2 về bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân:

Đây là chính sách quan trọng, cần quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân kịp thời, hiệu quả. Cần đánh giá, rà soát để quy định bao quát đối với các lĩnh vực có tiềm năng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (nông nghiệp, năng lượng, giao, thông, địa chất, xây dựng, logistic...) cũng như các rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để có chính sách chủ động, phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh phát triển và mở rộng ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội;

- Đối với chính sách 3 và 4 về không phổ biến vũ khí hạt nhân, thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân:

Xác định rõ nội hàm quy định về nghĩa vụ quốc gia tại các điều ước quốc tế để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật liên quan. Có quy định rõ về trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra sự cố bức xạ, tai nạn hạt nhân; lưu ý vấn đề xử lý chất thải từ nguồn phóng xạ, các tác động ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, người dân...

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); gửi Bộ Tư pháp tổng hợp.

Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV).

Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ đạo xây dựng dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 240/NQ-CP ngày 17/12/2024.

Quy định về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân

(1) Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:

- Bảo đảm an toàn cho dân cư trên địa bàn;

- Bảo đảm an toàn cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân có tính tới các yếu tố địa chất, thủy văn, thiên tai, giao thông và các yếu tố khác;

- Bảo đảm an ninh cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân;

- Giảm thiểu hậu quả khi xảy ra sự cố.

(2) Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm bao gồm:

- Đơn đề nghị phê duyệt địa điểm;

- Báo cáo tổng quan về việc lựa chọn địa điểm;

- Thiết kế sơ bộ nhà máy điện hạt nhân;

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Báo cáo phân tích an toàn sơ bộ;

- Báo cáo thẩm định an toàn;

- Kế hoạch kiểm xạ môi trường đất, không khí, nước dưới đất và nước mặt trong vùng bị ảnh hưởng khi vận hành nhà máy điện hạt nhân;

- Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước;

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân thể hiện ý kiến nhân dân về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và dân cư trên địa bàn;

- Tài liệu khác có liên quan.

(Điều 47 Luật Năng lượng nguyên tử 2008)

Chia sẻ bài viết lên facebook 45

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079