Những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ cháy trong Công an nhân dân từ 15/01/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 21/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 88/2024/TT-BCA quy định về phân công trách nhiệm, quan hệ phối hợp, quy trình xác minh, giải quyết vụ cháy trong Công an nhân dân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 88/2024/TT-BCA thì việc khám nghiệm hiện trường thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và quy định tại Thông tư 88/2024/TT-BCA. Theo đó, 05 việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ cháy trong Công an nhân dân bao gồm:
(1) Tiếp nhận, nắm tình hình công tác bảo vệ hiện trường và thu thập thông tin về vụ cháy thông qua người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
(2) Căn cứ theo tính chất, mức độ của vụ cháy, cơ quan chủ trì có thể mời thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường như: Giám định viên, cán bộ kỹ thuật hình sự hoặc người có chuyên môn phù hợp; đại diện chính quyền cấp xã, Công an cấp xã, Đồn Công an nơi xảy ra vụ cháy; cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc khám nghiệm hiện trường; đại diện cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, chủ phương tiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đối với vụ cháy do Cơ quan điều tra chủ trì xác minh, giải quyết thì lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng kỹ thuật hình sự là thành phần bắt buộc tham gia khám nghiệm hiện trường; Cơ quan điều tra chủ trì có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để phân công Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường theo quy định;
(3) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia khám nghiệm; lựa chọn phương pháp, chiến thuật khám nghiệm; chuẩn bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ phục vụ khám nghiệm hiện trường;
(4) Xác định phạm vi, đánh giá mức độ an toàn của hiện trường;
(5) Có biện pháp xử lý kịp thời để bảo đảm tính nguyên vẹn đối với dấu vết, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có nguy cơ bị phá hủy, thay đổi (nếu có).
Việc phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 như sau:
- Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:
+ Các điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024;
+ Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định;
+ Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.
- Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:
+ Các điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024;
+ Không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh;
+ Có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp với công năng, đặc điểm của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
+ Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.
Xem thêm tại Thông tư 88/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/01/2025 và thay thế Thông tư số 55/2020/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết các vụ cháy của lực lượng Công an nhân dân và Thông tư 11/2023/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình xác minh, giải quyết vụ cháy của lực lượng Công an nhân dân.
Đối với vụ cháy đang được xác minh, giải quyết theo quy định tại Thông tư số 55/2020/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết các vụ cháy, nổ của lực lượng Công an nhân dân và Thông tư số 11/2023/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình xác minh, giải quyết vụ cháy của lực lượng Công an nhân dân thì tiếp tục thực hiện theo các thông tư trên đến khi kết thúc điều tra.