Dự kiến Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026

25/12/2024 10:45 AM

Mới đây, Bộ Nội vụ đã gửi tài liệu họp thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ công chức (sửa đổi). Dự kiến hiệu lực thi hành của Luật này sẽ từ 01/01/2026.

Dự kiến Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026

Dự kiến Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026 (Hình từ Internet)

Dự kiến Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026

Mới đây, Bộ Nội vụ đã gửi tài liệu họp thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đề cương Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ gồm 07 chương và 64 điều.

Theo Tờ trình, Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện các quy định của Luật Cán bộ, công chức hiện hành, quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ.

Trong đó, đối tượng tác động của Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) là toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương, toàn bộ cơ quan nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương, các thiết chế, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc của chính quyền địa phương các cấp (từ cấp tỉnh đến cấp xã).

Về hiệu lực thi hành: Theo Đề cương thì dự kiến nếu được Quốc hội thông qua, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 và thay thế Luật Cán bộ, công chức 2008.

Lý giải về việc xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), tại Tờ trình, Bộ Nội vụ đã đưa các cơ sở thực tiễn như sau:

Luật Cán bộ, công chức 2008 thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010 và được sửa đổi năm 2019.

Tuy nhiên, sau 05 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng, cụ thể như sau:

Một là, một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ  cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, bao gồm: (1) Cơ chế tạo nguồn, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; (2) Cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; (3) Cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Hai là, một số quy định của Luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng, như:

- Về nội dung quản lý cán bộ, công chức: Điều 65 Luật Cán bộ, công chức quy định 5 nhóm nội dung quản lý cán bộ, công chức. Đối chiếu quy định tại điểm 28.1.2 về công tác quản lý cán bộ tại Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng và Điều 4 Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị , Luật Cán bộ, công chức chưa quy định thẩm quyền về “phân cấp quản lý”, “giới thiệu ứng cử”, “tái cử”, “cho thôi giữ chức vụ”, “kiểm soát quyền lực”.

- Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức: Luật Cán bộ, công chức chưa có quy định về tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ tương ứng với quy định của Đảng tại Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị; quy định về thời hạn không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật chưa đồng bộ với Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

- Về thẩm quyền quyết định biên chế công chức: Tại Khoản 2 Điều 4 Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị  quy định Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết; quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 66 Luật Cán bộ, công chức quy định: (1) Thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. (2) Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế công chức của Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. (3) Chủ tịch nước quyết định biên chế công chức của Văn phòng Chủ tịch nước. (4) Chính phủ quyết định biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp tỉnh. (5) Căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. (6) Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

- Về đánh giá, xếp loại chất lượng đối với cơ quan, tổ chức: Luật Cán bộ, công chức chưa có quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ quan, đơn vị, chưa đồng bộ với Quy định số 124-QĐ/TW ngày 04/10/2023 của Bộ Chính trị . Trong khi đó Luật Cán bộ, công chức quy định mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.

Ba là, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như: (1) Các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ; (2) Việc áp dụng cơ chế quản lý thống nhất giữa cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã; (3) Quy định về việc tiếp nhận vào công chức, trong đó cần bổ sung đối tượng là sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển; (4) Chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.

Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ bài viết lên facebook 86

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079