Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

13/01/2025 09:25 AM

Sau đây là bài viết về việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng được Chính phủ yêu cầu trong Nghị quyết 03/NQ-CP năm 2025.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng (Hình từ Internet)

Ngày 09/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Theo đó, để đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh thì Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung các nhiệm vụ được quy định cụ thể trong Nghị quyết 03/NQ-CP năm 2025 như sau:

(1) Xây dựng, triển khai Chương trình phát triển Chính phủ số với các mục tiêu được lượng hóa cụ thể; giao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá; định kỳ đo lường, công bố công khai kết quả; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ dựa trên kết quả phát triển Chính phủ số.

(2) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để xây dựng các cơ sở khoa học nhằm trợ giúp việc ra quyết định trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

(3) Phối hợp với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để đảm bảo liên thông, đồng bộ, bí mật nhà nước trong hoạt động chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị.

(4) Xây dựng mô hình Trung tâm giám sát điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công, nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền; thực hiện chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước trực tuyến, dựa trên dữ liệu; nâng cao tương tác giữa chính quyền và người dân giúp giảm quan liêu của bộ máy nhà nước; giám sát trực tuyến và toàn diện, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

(5) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; cung cấp dịch vụ số mới được cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.

(6) Chính quyền các cấp sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển các ứng dụng, dịch vụ số mới theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

(7) Phát triển và làm chủ công nghệ các nền tảng số trong nước đảm bảo an toàn, nhiều tiện ích cho người dân; phổ cập nhanh các dịch vụ số thiết yếu cho người dân.

(8) Xây dựng kế hoạch để mỗi người dân có danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số, hình thành công dân số.

(9) Triển khai giải pháp hỗ trợ, bảo vệ người dân trên không gian mạng ở mức cơ bản, tạo lập niềm tin số.

(10) Xây dựng văn hóa số cộng đồng, đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam trên môi trường số; xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.

(11) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa. Xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa số chất lượng cao; khuyến khích, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia sáng tạo, sản xuất các sản phẩm văn hóa số tích cực, lành mạnh và hướng thiện trên môi trường số. Thúc đẩy xây dựng các cơ sở dữ liệu về văn hóa, các di sản văn hóa số. Huy động, khuyến khích và xây dựng cơ chế đãi ngộ động viên đội ngũ tri thức, thanh niên là lực lượng tiên phong xây dựng văn hóa số.

(12) Triển khai các biện pháp quyết liệt, xử lý kịp thời các hiện tượng văn hóa số không lành mạnh, ảnh hưởng tới giá trị chung của xã hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực mà công nghệ số mang lại tới môi trường, xã hội và người dân, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên và các đối tượng dễ bị tổn thương trên không gian mạng.

(13) Xây dựng nền tảng số nhằm giám sát và thu thập dữ liệu lĩnh vực tài nguyên, môi trường; hệ thống thông tin địa lý; hệ thống giao thông thông minh.

(14) Phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, hỗ trợ phân tích, cảnh báo về nguy cơ quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.

(15) Tăng cường giám sát ở quy mô quốc gia trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đầu tư, nâng cấp Trung tâm an ninh mạng quốc gia thuộc Bộ Công an đảm bảo việc kết nối, giám sát trên diện rộng tại hệ thống thông tin trọng yếu, quan trọng về an ninh quốc gia của các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp.

(16) Hình thành và phát triển nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng theo hướng tự chủ thông qua việc phát triển các sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trọng điểm và hình thành các doanh nghiệp lớn có tiềm lực đóng vai trò dẫn dắt thị trường và vươn ra thế giới.

(16) Phát triển các hệ thống kỹ thuật quốc gia có năng lực giám sát các nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng để chủ động phát hiện, ngăn chặn một cách kịp thời, hiệu quả

(17) Phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng và tội phạm mạng.

(18) Số hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, an ninh; làm chủ vũ khí công nghệ cao dựa trên công nghệ số; tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ quốc phòng mới trong các hệ thống chỉ huy, điều hành, quản lý lực lượng vũ trang; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng tự động hóa, góp phần thực hiện chính quy hóa, hiện đại hóa quốc phòng, an ninh; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử; xây dựng, phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân trên không gian mạng để bảo vệ Tổ quốc.

(19) Xây dựng, triển khai các cơ chế, biện pháp, nền tảng số để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm lĩnh vực chuyển đổi số, tội phạm lợi dụng không gian mạng. Chú trọng xây dựng, củng cố các lực lượng nòng cốt về an toàn, an ninh mạng.

Xem thêm tại Nghị quyết 03/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 09/01/2025.

Chia sẻ bài viết lên facebook 84

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079