Lựa chọn, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giáo dục năm 2025

13/01/2025 15:15 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về lựa chọn, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giáo dục năm 2025.

Lựa chọn, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giáo dục năm 2025 (Hình từ internet)

Ngày 20/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 16/2024/TT-BGDĐT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Lựa chọn, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giáo dục năm 2025

Theo Điều 7 Thông tư 16/2024/TT-BGDĐT quy định về lựa chọn, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc như sau: 

(1) Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật giám định tư pháp 2012 được xem xét lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Cụ thể: 

Điều 18. Người giám định tư pháp theo vụ việc

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc:

a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

(2) Tổ chức có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật giám định tư pháp 2012, Điều 8 Thông tư 16/2024/TT-BGDĐT được lựa chọn làm tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Cụ thể: 

- Khoản 1 Điều 19 Luật giám định tư pháp 2012:

Điều 19. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải có đủ điều kiện sau đây:

a) Có tư cách pháp nhân;

b) Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định;

c) Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp.

- Điều 8 Thông tư 16/2024/TT-BGDĐT:

Điều 8. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

1. Có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp.

2. Có trang thiết bị bảo quản, lưu giữ đối tượng, hồ sơ, tài liệu giám định và trang thiết bị khác đáp ứng yêu cầu thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật khác có liên quan.

(3) Công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ yêu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng, Thủ trưởng đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản (1), lập hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; 

Vụ trưởng Vụ Pháp chế lựa chọn đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có đủ điều kiện theo quy định tại khoản (2), đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Quy định về thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực giáo dục năm 2025

Việc thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được tiến hành như sau:

- Nghiên cứu, phân tích kỹ hồ sơ, đối tượng giám định và các tài liệu, thông tin được cung cấp;

- Xác định rõ đối tượng, nội dung chuyên môn cần xem xét, đánh giá;

- Tiến hành khảo sát hoặc xác minh vấn đề cần thiết có liên quan mà người trưng cầu, yêu cầu giám định không thể cung cấp được tài liệu, thông tin về vấn đề đó (nếu có);

- Tiến hành so sánh, đối chiếu vấn đề hoặc đối tượng cần giám định với quy chuẩn chuyên môn về vấn đề hoặc đối tượng cần giám định;

- Đưa ra nhận xét, đánh giá, nêu ý kiến chuyên môn cụ thể, rõ ràng về vấn đề hoặc đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định;

- Xây dựng, ban hành bản kết luận giám định tư pháp;

- Lập hồ sơ giám định tư pháp.

Lưu ý: Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết và thống nhất phương án giải quyết.

Người thực hiện giám định phải lập văn bản ghi nhận toàn bộ quá trình thực hiện giám định tư pháp theo quy định tại Điều 31 Luật giám định tư pháp 2012.

(Điều 12 Thông tư 16/2024/TT-BGDĐT)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 17

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079