Đã có Nghị định 07/2025/NĐ-CP sửa quy định về hộ tịch, chứng thực
Ngày 09/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Theo đó, Nghị định 07/2025/NĐ-CP đã sửa đổi một số quy định về hộ tịch, chứng thực như sau:
(1) Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 36 như sau:
“1. Người yêu cầu chứng thực xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Thẻ căn cước/Giấy chứng nhận căn cước hoặc Hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị sử dụng hoặc xuất trình Căn cước điện tử và nộp 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
b) Bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.”.
- Thay thế cụm từ “bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng” tại các khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 24, khoản 2 Điều 31, khoản 2 Điều 40 bằng cụm từ “bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân Thẻ căn cước/Giấy chứng nhận căn cước/Hộ chiếu/giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị sử dụng hoặc Căn cước điện tử".
- Thay thế cụm từ “Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu" tại khoản 2 Điều 25, cụm từ “Giấy chứng minh nhân dân/hộ chiếu” tại Phụ lục mẫu lời chứng, mẫu sổ chứng thực bằng cụm từ “Giấy chứng minh nhân dân Thẻ căn cước công dân/Thẻ căn cước/Căn cước điện tử/Giấy chứng nhận căn cước hoặc Hộ chiếu/giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.”.
(2) Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 2 như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, Giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch; người yêu cầu đăng ký khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Hộ tịch và tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định này.
Trường hợp người yêu cầu đã nộp bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy báo tử hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch đã khai thác được dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh, Giấy báo tử thì không phải nộp bản giấy.”.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
+ Sửa đổi, bổ sung tên Điều 3 như sau: Cách thức nộp, tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch, tiến hành xác minh khi giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch.
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc đăng ký trực tuyến theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Hồ sơ đăng ký hộ tịch lập thành 01 (một) bộ.”.
+ Bổ sung khoản 5 Điều 3 như sau:
“5. Đối với yêu cầu đăng ký khai sinh mà cha, mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn, trên cơ sở thông tin về Giấy chứng nhận kết hôn cung cấp trong Tờ khai đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của cha, mẹ trẻ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kết quả tra cứu được lưu trữ dưới dạng điện tử hoặc bản giấy, phản ánh đầy đủ, chính xác thông tin tại thời điểm tra cứu và đính kèm hồ sơ của người đăng ký.
Trường hợp không tra cứu được tình trạng hôn nhân do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì cơ quan đăng ký hộ tịch đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú/nơi đã đăng ký kết hôn xác minh, cung cấp thông tin. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận được đề nghị xác minh có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và gửi kết quả về tình trạng hôn nhân của người đó.”.
(3) Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 16/2020/NĐ-CP:
- Sửa đổi khoản 1 Điều 16 như sau:
“1. Trường hợp cần thiết phải xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Quốc tịch Việt Nam thì Bộ Tư pháp có văn bản nêu rõ những nội dung đề nghị Bộ Công an xác minh.”.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
+ Bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 18 như sau:
“1a. Giấy tờ chứng minh người xin thôi quốc tịch Việt Nam có quốc tịch Việt Nam là bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quốc tịch Việt Nam của người xin thôi quốc tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.”.
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 như sau:
“3. Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng thôi quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ thôi quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó thôi quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.
Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.”.
Xem thêm tại Nghị định 07/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 09/01/2025.