Tên gọi mới các phường tại Quận 11 sau sắp xếp (Hình ảnh từ Internet)
Cụ thể, tại Điều 1 Nghị quyết 1685/NQ-UBTVQH15, trên cơ sở Đề án số 356/ĐA-CP ngày 09/05/2025 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh (mới) năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp để thành lập các đơn vị hành chính cấp xã tại Quận 11 của Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Tên gọi cũ các phường ở Quận 11 (Trước ngày 01/7/2025) |
Tên gọi mới các phường ở Quận 11 (Sau ngày 01/7/2025) |
Phường 1 Phường 7 Phường 16 |
Phường Minh Phụng |
Phường 3 Phường 10 Một phần diện tích, dân số của Phường 8 |
Phường Bình Thới |
Phường 5 Phường 14 |
Phường Hòa Bình |
Phường 11 Phường 15 Phần còn lại của Phường 8 |
Phường Phú Thọ |
Như vậy, sau sắp xếp, Quận 11 chính thức còn 4 phường. Các phường sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2025. 4 phường tại Quận 11 bao gồm:
(1) Phường Minh Phụng
(2) Phường Bình Thới
(3) Phường Hòa Bình
(4) Phường Phú Thọ
Căn cứ theo tiết 1.5.2 tiểu mục 1.5 Mục 1 Chương V Phần thứ hai Đề án ban hành kèm theo Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 có quy định về Chức năng và nhiệm vụ của chính quyền địa phương của phường xã mới tại TPHCM sau sáp nhập gồm những nội dung như sau:
Chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu) thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hiện đang được quy định cho chính quyền địa phương cấp xã và chính quyền địa phương cấp huyện.
Theo đó, các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay được chuyển toàn bộ về cho chính quyền địa phương cấp xã thực hiện. Căn cứ quy mô, điều kiện, đặc điểm của từng cấp xã và năng lực quản lý mà chính quyền địa phương cấp xã được phân cấp, phân quyền nhiều hơn từ Trung ương và cấp tỉnh theo năng lực và yêu cầu quản lý (nhất là đối với các phường thuộc đô thị lớn, đặc khu Phú Quốc và các xã có quy mô lớn). Theo đó, chính quyền địa phương cấp xã có 07 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản sau đây:
(1) Tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và văn bản của cơ quan cấp trên ở địa bàn.
(2) Quyết định về tài chính, ngân sách của cấp mình trên địa bàn cấp xã (trừ các nội dung thuộc thẩm quyền cấp tỉnh); được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; được hỗ trợ nguồn tài chính, ngân sách từ Trung ương và cấp tỉnh để bảo đảm cho các hoạt động công ích.
(3) Thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, phát triển cộng đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ.
(4) Quản lý tài sản, cơ sở hạ tầng phục vụ người dân trên địa bàn; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội; duy trì truyền thống văn hóa ở địa phương, quản lý các cơ sở văn hóa, thể thao và giải trí.
(5) Cung ứng các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân như cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trên địa bàn.
(6) Giải quyết các thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân trên địa bàn.
(7) Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được chính quyền địa phương cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền.
Lưu ý: Đối với chính quyền địa phương ở phường (đô thị) thì ngoài việc thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ chung của chính quyền địa phương cấp xã nêu trên, còn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng có của chính quyền đô thị. Đối với chính quyền địa phương ở đặc khu (hải đảo) thì ngoài việc thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ chung của chính quyền địa phương cấp xã, còn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng có của chính quyền địa phương đặc khu phù hợp với đặc thù của hải đảo.