Quy định về chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT (Hình từ Internet)
Ngày 27/6/2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn 1363/BHXH-QLT hướng dẫn triển khai những nội dung mới của Luật BHXH, BHYT năm 2024.
![]() |
Công văn 1363/BHXH-QLT |
Cụ thể, tại Công văn 1363/BHXH-QLT năm 2025 tổng hợp những quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế như sau:
(1) Quy định về đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
- Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phát hiện và đôn đốc bằng văn bản đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
(2) Quy định về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký kể từ sau ngày đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 hoặc kể từ sau ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
(3) Quy định về chậm đóng bảo hiểm y tế (Điều 48a Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024))
Chậm đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng bảo hiểm y tế kể từ sau ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất quy định tại khoản 8 Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024), trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48b Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024);
- Không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024);
(4) Quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật BHXH năm 2024;
(5) Quy định về trốn đóng bảo hiểm y tế (Điều 48b Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024)
Trốn đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024)mà người sử dụng lao động không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế thấp hơn tiền lương quy định tại Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024);
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất theo quy định tại khoản 8 Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024)và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định của Chính phủ;
(6) Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, khoản 2 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024)
- Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tỉnh trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
(7) Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2024; khoản 3, 4 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024)
- Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.
- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
- Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.
(8) Quy định chuyển tiếp (Khoản 12 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024; điểm d khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2024))
Đối với số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế mà người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng theo quy định của Luật số 58/2014/QH13, Luật Việc làm 2013, Luật Bảo hiểm y tế 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 46/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 68/2020/QH14 và Luật số 30/2023/QH15 nhưng đến hết ngày 30/6/2025 mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ thì được xử lý theo quy định về chậm đóng, trốn đóng của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Luật số 51/2024/QH15.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền